Từ một công nhân Samsung trở thành một giảng viên đại học

Tôi gặp Hằng trong một sớm đông se lạnh khi cô giảng viên thực hành của Khoa Du lịch Trường Đại học Đại Nam vừa kết thức giờ giảng tại Khách sạn thực hành 3 sao Lotus legend (197 Trần Phú – Hà Đông – Hà Nội). Không ai có thể nghĩ, để được đứng trên bục giảng của giảng đường đại học, cô gái đến từ Yên Phong – Bắc Ninh này đã phải vượt qua rất nhiều biến cố lớn trong cuộc đời, đặc biệt dám từ bỏ để bắt đầu và thay đổi....
Nguyễn Thị Hằng (thứ 2 ngoài cùng bên phải) cùng các thầy cô trong khoa Du lịch ĐH Đại Nam.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi học xong THPT Nguyễn Thị Hằng không thi đại học như bạn bè cùng trang lứa mà chọn đi làm công nhân tại Khu công nghiệp gần nhà để có tiền phụ giúp cho gia đình.
Hằng nhanh chóng xin được việc làm tại Công ty Samsung – một trong những công ty sản xuất linh kiện điện tử lớn tại Khu công nghiệp Yên Phong – Bắc Ninh với mức lương khá cao. Hàng ngày cô gái trẻ ra khỏi nhà lúc 6h30 sáng và về nhà lúc 7 giờ tối.
Sau hơn 1 năm làm công nhân, Hằng đã hạ quyết tâm thay đổi bằng việc đăng ký xét tuyển vào khoa Du lịch Trường Đại học Đại Nam.
“Ban đầu em cứ nghĩ, đi làm sẽ có tiền để vừa phụ giúp gia đình, vừa thoải mái làm những gì mình thích. Thế nhưng, quỹ thời gian eo hẹp của 1 công nhân khiến em không còn thời gian để làm bất cứ việc gì khác…” Hằng nhớ lại.
Hằng cho biết thêm, tại đây cô và các công nhân khác bị “vắt kiệt” sức lao động khi phải thường xuyên tăng ca 12 tiếng, làm cả thứ 7, CN. Đặc biệt, mỗi công nhân chỉ làm đúng 1 nội dung công việc trên dây chuyền đã được thiết lập sẵn.“Em dần cảm thấy chán guồng quay cuộc sống của một công nhân; mệt mỏi với những ngày tăng ca liên tiếp; cảm thấy vô cùng ngột ngạt với bầu không khí đặc ngẫn và ồn ào ở công ty… Em sợ! Nếu mãi làm công nhân, em sẽ trở thành 1 cái máy, thậm chí đến già, em cũng chỉ sống 1 ngày nhàm chán và mệt mỏi như vậy…”
Ngay từ ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, Hằng đã nhận thấy sự thay đổi của mình là đúng đắn.
Tại khoa Du lịch, Hằng không chỉ được theo học ngành học mình yêu thích mà còn có được những trải nghiệm thanh xuân tuyệt vời, ý nghĩa.
Sau 1 năm trải nghiệm làm công nhân, chứng kiến rất nhiều trường hợp vì sức khỏe sa sút, quá tuổi lao động, bầu bí, con nhỏ… bị cho nghỉ việc vô thời hạn; những cặp vợ chồng trẻ sống chầy chật qua ngày với đồng lương công nhân ít ỏi, Hằng thực sự lo lắng cho tương lai của mình. “Em nhận ra, đồng lương công nhân chỉ mang đến cho em cái “lợi” trước mắt và bản thân cần thay đổi trước khi quá muộn. Em không thể sống cả đời với thân phận của một công nhân không nghề nghiệp, không trình độ…”
Bên cạnh thầy cô, bạn bè và với những hoạt động phong trào ý nghĩa.
Sau tất cả, cô gái 19 tuổi đã hạ quyết tâm nghỉ làm công nhân để tiếp tục sự nghiệp học hành. Hằng quyết tâm xét tuyển đại học để bắt đầu một hành trình cuộc đời mới.
“Thật may mắn cho em, tại thời điểm đó Trường Đại học Đại Nam nhận xét tuyển học bạ. Em đã chớp lấy cơ hội này để được trở thành sinh viên. Và ngay từ ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, em đã có niềm tin mãnh liệt rằng sự thay đổi của mình là đúng đắn…”
Với Hằng, Đại học Đại Nam không chỉ cho cô kiến thức để kiến tạo cuộc sống mà còn dạy cô rất nhiều bài học nhân sinh ý nghĩa.
Tại khoa Du lịch Trường Đại học Đại Nam, Hằng được học ngành học mình yêu thích; được các thầy cô tận tình dạy dỗ, chỉ bảo và chia sẻ tất cả những khó khăn trong cuộc sống thường nhật. Và đặc biệt tại giảng đường đại học, cô gái trẻ có được những trải nghiệm thanh xuân thực sự tuyệt vời bên thầy cô, bạn bè với những hoạt động phong trào ý nghĩa do nhà trường tổ chức.
“Cú sốc năm 2017 khi bố em đột ngột qua đời. Đó là động lực giúp em nỗ lực gấp 3, gấp 5 lần để có kết quả học tập tốt, đặt mục tiêu có thể ở lại khoa công tác, có công việc tốt, ổn định như bố từng kỳ vọng”, Hằng trải lòng.
Và mọi nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng, sau 04 năm miệt mài học tập, Hằng đã ra trường với kết quả học tập tốt được giữ lại khoa làm giảng viên thực hành. “Cảm ơn Đại học Đại Nam đã biến em từ một công nhân Samsung thành một giảng viên thực hành. Cảm ơn thầy cô Khoa Du lịch đã dạy dỗ, dìu dắt để em có được thành quả như ngày hôm nay. Em xin hứa sẽ nỗ lực không ngừng để xứng đáng với những gì nhà trường và khoa đã trao tặng cho em…”
Nhìn nụ cười tươi rói, khuôn mặt rạng rỡ và ánh mắt tràn đầy niềm tin, hy vọng của cô giảng viên thực hành trẻ, tôi nghĩ đến slogan “Học để thay đổi” của Đại học Đại Nam. Từ câu chuyện về sự thay đổi cuộc đời của Hằng và các thế hệ sinh viên Đại Nam, chúng ta có quyền tin rằng, mọi sự thay đổi, mọi sự bắt đầu không bao giờ là quá muộn. Chỉ cần chúng ta có quyết tâm, có động lực và dám hành động để thay đổi.
Thu Hòe
Đăng ký tư vấn tuyển sinh 2025
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng

Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
