Từ chuyến công tác vùng cao nghĩ về trách nhiệm người làm thầy

(Cảm xúc và ghi chép của cô Nguyễn Thị Thanh Xuân – Giảng viên Khoa Kế toán, Trường Đại học Đại Nam, sau chuyến kiểm tra công tác coi thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2025 tại tỉnh Sơn La)
Có những chuyến đi tưởng như chỉ là nhiệm vụ chuyên môn, nhưng lại trở thành một dấu mốc không thể quên trong hành trình làm nghề, bởi nó không chỉ chạm đến đôi mắt người quan sát, mà còn lay động trái tim người thầy. Chuyến công tác tại Sơn La của đoàn cán bộ Trường Đại học Đại Nam – trong vai trò kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2025 – đã để lại trong tôi và các đồng nghiệp thật nhiều trăn trở. Không chỉ là những ghi nhận về công tác tổ chức thi, mà còn là những xúc cảm đậm sâu về nghề dạy học, về con người, và về sứ mệnh của người làm giáo dục.
Đoàn cán bộ Trường Đại học Đại Nam xuất phát từ trường lên tỉnh Sơn La để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2025.
Từ những cung đường Tây Bắc…
Khi mặt trời còn chưa kịp thức giấc nơi thủ đô, đoàn cán bộ Trường Đại học Đại Nam đã lên đường, vượt hơn 300 cây số với những cung đường đèo núi quanh co để đến với Sơn La. Qua Hòa Bình, Mai Châu, Mộc Châu… mỗi khúc cua là một phần của khung cảnh hùng vĩ và bình dị – nơi thiên nhiên và cuộc sống vùng cao đan xen đầy chất thơ và chất thật.
Đoàn cán bộ Trường Đại học Đại Nam thực hiện công tác kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2025 tại tỉnh Sơn La.
Với nhiều thành viên trong đoàn, đây là lần đầu tiên đến với Sơn La – lần đầu được tận mắt chứng kiến một kỳ thi quốc gia tại vùng sâu, vùng xa; và cũng là lần đầu chạm đến hiện thực còn nhiều thiếu thốn của các điểm trường miền núi.
…đến những lớp học mộc mạc, ánh mắt học trò ngây thơ
22 điểm thi rải khắp các huyện xa xôi như: Sốp Cộp, Sông Mã, Mường Lầm… Có nơi không có sóng điện thoại, đường đi trơn trượt, mưa có thể đến bất chợt bất cứ lúc nào. Nhưng ở đó, chúng tôi thấy được hình ảnh của những ngôi trường giản dị nép mình bên sườn núi, bảng đen bạc màu, bàn ghế cũ kỹ nhưng được sắp xếp ngay ngắn, sạch sẽ – sẵn sàng cho một kỳ thi quan trọng.
Chúng tôi gặp những em học sinh đi bộ hàng giờ đồng hồ vượt suối, băng rừng để đến điểm thi. Gặp những thầy cô vùng cao lặng lẽ tới trường từ sáng sớm, với ánh nhìn đầy trách nhiệm và yêu thương. Giữa gian khó, từng hành động nhỏ cũng đủ lay động tâm can và khiến chúng tôi hiểu rằng: giáo dục là hành trình của sự tận tụy và đồng hành.
Hai cán bộ của trường Đại học Đại Nam tại điểm thi THPT Mường La, Thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La
Điểm trường THPT Nguyễn Du, Bản Phiêng Tam, Xã Chiềng Đen, tỉnh Sơn La
Và nghĩ về trách nhiệm của nghề làm thầy
Khi trở về Hà Nội, hành trang của mỗi người không chỉ là những báo cáo công tác, mà còn là những xúc cảm lặng sâu. Không chỉ vì những cái bắt tay, những cuộc trò chuyện đêm khuya trên đường công tác, mà còn bởi chúng tôi đã thật sự chạm đến một mặt đời rất thật của giáo dục – nơi mà sự tận tụy không nằm trong giáo trình, mà thể hiện qua từng ánh mắt học trò, từng nỗ lực vươn lên của những đứa trẻ vùng cao.
Một câu hỏi lớn được đặt ra trong tim mỗi người: Nếu một ngày nào đó, những em học sinh ấy bước chân vào giảng đường đại học – bước qua được những mùa mưa lội bộ đến trường, những bữa cơm chan canh su su, những buổi tối học dưới ánh đèn dầu… thì chúng ta – những người thầy – sẽ dạy các em như thế nào?
Câu trả lời là: “Chúng tôi sẽ không thể tiếp tục giảng dạy như cũ nữa.”
Không thể giảng dạy chỉ bằng kiến thức. Không thể thờ ơ khi các em chậm hiểu hay mỏi mệt. Vì sau những biểu hiện ấy có thể là cả một hành trình sống đầy thiếu thốn, là nghị lực phi thường của những đứa trẻ đã học cách kiên cường trong im lặng.
Chúng tôi sẽ dạy bằng cả trái tim – để thấu hiểu, để kiên nhẫn, để đồng hành và không bao giờ bỏ rơi bất kỳ ai chỉ vì các em chưa theo kịp.
Đoàn cán bộ của trường Đại học Đại Nam tại điểm thi THPT Mai Sơn, Sơn La
Người thầy – là người gieo niềm tin
Hơn cả truyền đạt tri thức, người thầy là người khơi gợi hy vọng, là người thắp lên khát vọng sống trong mỗi học trò. Và để làm được điều đó, đôi khi, chúng ta cần lên đường, cần lắng nghe, cần trở lại với chính mình – để nhớ lại vì sao mình chọn làm thầy.
Chuyến công tác đến vùng cao lần này không chỉ là một nhiệm vụ chuyên môn. Đó là lời nhắc nhở đầy xúc động: Làm nghề giáo không chỉ cần chuyên môn, mà cần rất nhiều trái tim.
Các thầy cô trường Đại học Đại Nam cùng các đoàn kiểm tra của các trường đại học khác đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2025
Chúng tôi – những thầy cô giáo từ Đại học Đại Nam – đã thực sự “đi cùng nhau” trong một hành trình đặc biệt. Và khi trở về, chúng tôi hiểu rằng: Mỗi bài giảng, mỗi ánh mắt nhìn sinh viên từ nay sẽ có thêm một lớp cảm thông – sâu sắc, chân thành và trọn vẹn.
Cô Nguyễn Thị Thanh Xuân