Thư chủ tịch hội đồng quản trị Lê Đắc Sơn nhân dịp năm học mới

Hà Nội, Ngày 02/09/2014
Kính gửi: Các thầy giáo, cô giáo cùng toàn thể cán bộ nhân viên trường Đại Học Đại Nam.
Nhân ngày khai trường cùng vào dịp kỉ niệm Quốc khánh nước nhà ngày 2/9/2014 thông qua bản tin của nhà trường, tôi thay mặt cho HĐQT kính chúc sức khỏe toàn thể các thầy giáo, cô giáo trong BGH, các khoa, phòng, ban chuyên môn, các thầy cô giáo thỉnh giảng cùng toàn thể CBNV Đại Học Đại Nam của chúng ta lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Kính thưa các thầy cô và anh chị em CBNV, trong buổi tổng kết năm học 2013/2014 vừa qua, vì thời gian chủ yếu giành cho việc đánh giá những công việc mà chúng ta đã làm được trong năm học vừa qua đồng thời triển khai những công việc của năm học mới nên tôi chưa trao đổi được nhiều với các thầy cô và cán bộ nhân viên Đại Nam về những trăn trở và mong muốn của mình để chúng ta cùng chia sẻ, cùng chung sức xây dựng ĐHĐN ngày càng phát triển, đóng góp chung vào sự nghiệp giáo dục nước nhà. Hôm nay, qua Bản tin “Học để thay đổi” tôi muốn nêu những suy nghĩ đã định hướng cho tôi cùng các thầy cô và đề ra những hành động thiết thực cho sự phát triển ĐHĐN suốt từ ngày thành lập trường đến nay. Trên cơ sở những suy nghĩ của mình, tôi mong muốn cùng với các thầy cô tiếp tục phân tích, trao đổi, nắm bắt những quy luật vận động khách quan để rút ra những bài học quý giá phục vụ cho mục tiêu xây dựng ĐHĐN của chúng ta trở thành một thương hiệu mạnh trong hệ thống giáo dục quốc dân vào năm 2020.
I . Giáo dục Đại học là một loại hình dịch vụ.
Đó là một quy luật khách quan và tôi luôn coi đó là phương châm để xây dựng và phát triển của Đại Học Đại Nam. Đây là quan điểm không mới và đã được kiểm chứng rõ nét ở tất cả các nước có nền giáo dục đại học phát triển. Tuy nhiên ở VN, nhà nước coi GDĐH như là phúc lợi xã hội, là nhà nước bỏ tiền ra xây dựng và bao cấp cả người dạy lẫn người học trong hệ thống giáo dục công lập dẫn đến kinh phí vừa đầu tư vừa dàn trải, vừa ít ỏi trên đầu sinh viên nên chất lượng đào tạo nguồn nhân lực không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Tư duy trên còn tạo nên sự bất bình đẳng về tài chính, về quyền thụ hưởng phúc lợi giáo dục đối với sinh viên học các trường tư thục. Dẫn đến các trường tư phải tự đầu tư về cơ sở vật chất, tự trả lương cho đội ngũ giảng dạy và đương nhiên sinh viên trường tư phải nộp học phí khi học ở các trường này. Khi sinh viên phải đóng tiền học phí để được học thì tức là chúng ta là người cung cấp dịch vụ và họ là khách hàng. Với nhận thức của mình, ở Đại Học Đại Nam, tôi luôn coi chúng ta đang làm dịch vụ giáo dục. Chúng ta là những người cung cấp dịch vụ đào tạo cho sinh viên Đại Nam. Vì vậy, tôi đề nghị các thầy cô coi sinh viên Đại Nam chính là khách hàng của mình, họ là người trả tiền cho chúng ta để mua dịch vụ mà chúng ta cung cấp cho họ đó là: Kiến thức chuyên môn; Ngoại ngữ và các Kĩ năng làm việc… để họ thành công trong cuộc sống sau khi ra trường.
II- Phải phục vụ tốt nhất để sinh viên hài lòng
Sinh viên trả tiền là để chúng ta cung cấp dịch vụ đào tạo cho họ tốt nhất có thể với học phí của họ. Chúng ta có nghĩa vụ phải cung cấp và thực tế đang cung cấp cho sinh viên các nội dung đào tạo tương xứng với số tiền mà họ bỏ ra (học phí) như sau:
1. Chương trình đào tạo chuyên môn gắn với thực tiễn cuộc sống.
2. Trình độ tiếng Anh đạt chuẩn giúp sinh viên có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
3. Thuần thục các kĩ năng làm việc ở các doanh nghiệp và tổ chức: kĩ năng giao tiếp, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng đàm phán, kĩ năng lãnh đạo…
4. Các hoạt động đoàn thể, sinh hoạt các câu lạc bộ để sinh viên tăng khả năng giao tiếp, mở rộng quan hệ bạn bè, xã hội
5. Tạo cơ hội cho SV tập làm nghiên cứu khoa học, giao lưu với sinh viên quốc tế để mở rộng tầm nhìn. Bản thân tôi và các thày cô luôn phải ghi nhớ: mối quan hệ trao đổi giữa nhà trường và sinh viên là hoàn toàn công bằng. Nếu thầy cô chúng ta không dạy tốt, không làm cho sinh viên của mình hài lòng trước các dịch vụ mà ta cung cấp thì họ sẽ đến trường khác với chất lượng dịch vụ tốt hơn. Không có sinh viên thì không có nhà trường, cũng không có tôi và các thầy cô. Tất nhiên về phía khách hàng – tức là sinh viên: Chúng ta có quyền yêu cầu họ sử dụng dịch vụ của chúng ta một cách hiệu quả nhất. Và chúng ta có quyền không cung cấp dịch vụ cho những sinh viên không biết quí trọng dịch vụ của chúng ta. Có quyền từ chối và loại bỏ những sinh viên không tuân thủ những quy định mà nhà trường đề ra, không cung cấp dịch vụ cho những sinh viên không tôn trọng Thầy cô trường ta hoặc những sinh viên lạm dụng vai trò khách hàng để đòi hỏi quá đáng với sự đóng góp của họ với nhà trường. Khi cả 2 bên đều thấu hiểu như vậy thì không có lí gì mà Đại Nam không ngày càng phát triển.
III- Sinh viên Đại Nam là khách hàng đặc biệt
1. Khách hàng của ta là khách hàng đặc biệt với dịch vụ đặc biệt
Sinh viên Đại Nam dù ra trường bao lâu đi nữa nhưng tên trường mãi gắn vào tiềm thức, vào lí lịch của các em, danh dự suốt đời của các em gắn liền với danh dự của nhà trường. Không giống như chúng ta ăn bát phở. Khách hàng vào ăn bát phở giá 50 ngàn đồng nhưng chất lượng kém, thái độ phục vụ không tốt… Như vậy chắc chắn lần sau khách hàng sẽ không quay lại nữa và đương nhiên dần dần, quán phở sẽ phá sản… Vấn đề ở đây là: Dù quán phở đó có bị phá sản thì những khách hàng đã từng ăn ở đó chẳng ảnh hưởng gì. Họ không thèm quan tâm đến sự sống chết của quán phở đó. Nhưng với dịch vụ giáo dục thì hoàn toàn khác: Nếu Đại Nam “Trường không ra trường, thầy không ra thầy”, mất thương hiệu do sự yếu kém về chất lượng dẫn đến không có người đến học thậm chí là xóa sổ thì sinh viên của chúng ta sẽ phải gánh chịu tiếng xấu suốt cả cuộc đời. Họ không có cơ hội lựa chọn lần thứ 2… Như thế thì là chúng ta có tội với sinh viên của mình.
Ngược lại, ĐH Đại Nam của chúng ta ngày càng lớn mạnh về mọi mặt. Sinh viên của chúng ta luôn được tự hào về mái trường của mình. Tiếng thơm của Đại nam sẽ mãi mãi đi theo các em như một nếp son trong suốt cả cuộc đời…Đó chính cũng chính là trách nhiệm và áp lực cho mỗi chúng ta.
Vì lẽ ấy, tôi mong muốn các thầy cô cùng chúng tôi dốc sức để sinh viên các thế hệ kế tiếp nhau của ĐHĐN sau khi ra trường sẽ luôn nhớ đến và tự hào về nhà trường, khi mà ĐHĐN của chúng ta ngày mỗi ngày, từng bước phát triển thành một thương hiệu lớn.
2. Đặc biệt ở kết quả đầu vào.
Phần đông sinh viên của trường ta có điểm thi vào chỉ đạt mức điểm trung bình từ 13 đến 16, số em đạt điểm từ 20 trở lên còn khiêm tốn. Thực tiễn đó là tất yếu khi mà còn có sự phân biệt đối xử trong chính sách giáo dục đại học của nhà nước đối với trường Ngoài CL như chúng ta. Phần đông học sinh lựa chọn thi vào trường công vì những lí do: học phí thấp, cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giảng viên đông đảo, oai phong với xã hội …nên các trường công có lợi thế hơn hẳn các trường Ngoài CL là điều ai cũng dễ hiểu. Tuy nhiên với suy nghĩ của cá nhân tôi cùng với những con số thống kê chung thì: Ở những trường đại học hàng đầu của Việt Nam, số lượng sinh viên ra trường có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng không nhiều. Số cử nhân, kĩ sư đó giỏi không phải do trường công có chất lượng đào tạo tốt mà 90% là do tự bản thân các em giỏi, tự bản thân các em có ý thức tốt, miệt mài học tập mà đạt được. Tôi đã nhiều lần nói với các thầy, nếu 2 sinh viên có điểm thi đại học bằng nhau, 1 em học ở trường đại học công lập số 1 Việt nam, còn em thứ 2 học trường Đại Nam chúng ta thì chắc chắc khi ra trường sinh viên học trường ta sẽ có kiến thức, kĩ năng làm việc tốt hơn, năng động và thành công sớm hơn. Tôi so sánh như vậy để khẳng định rằng, với chương trình đào tạo tích cực đang được áp dụng tại Đại Nam, với lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm cao của các thày cô giáo, chúng ta hoàn toàn đủ tự tin để rèn các sinh viên của chúng ta với đầu vào khiêm tốn khi ra trường vẫn sẽ đủ kiến thức và bản lĩnh để đi tới thành công.
IV-Đại Học Đại Nam chưa phải là trường Đại học lớn nhất nhưng phải là trường Đại học thân thiện nhất.
Tôi không dám vạch kế hoạch xây dựng Đại Nam thành một trường Đại học lớn nhất, chỉ quyết tâm xây Đại Nam thành trường Đại học thân thiện nhất Việt Nam trong tương lai rất gần. Làm gì để điều đó sớm trở thành hiện thực? Tôi nghĩ, nếu chúng ta làm sớm và làm tốt những vấn đề sau thì mục tiêu sẽ đạt được:
1. Xây dựng được một đội ngũ giảng viên tâm huyết và có trách nhiệm luôn biết trau dồi nâng cao năng lực giảng dạy chuyên môn để sinh viên được tiếp thu kiến thức mới nhất, thiết thực nhất. Đồng thời xây dựng một đội ngũ giáo viên chủ nhiệm (đội ngũ cố vấn học tập) phải thực lòng yêu quý và gần gũi sinh viên, coi sinh viên như chính người thân trong gia đình mình để làm việc với tất cả tâm huyết của mình.
2. Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và phù hợp cho sự phát triển lâu dài của nhà trường (Hệ thống Core Giáo dục). Có hệ thống đó sẽ hỗ trợ tốt cho các hoạt động phục vụ học tập, thi cử, xử lý và lưu trữ kết quả học tập theo tín chỉ, rút ngắn thời gian tác nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự kết nối các hoạt động của nhà trường giữa các khoa, các đơn vị với sinh viên, với cựu sinh viên, với phụ huynh… . Trên cơ sở hệ thống Core (lõi) để thực hiện các dịch vụ phục vụ đào tạo, chúng ta vừa tiết kiệm nhân lực, vừa tạo sự hài lòng cho sinh viên, vừa gắn kết sinh viên ngày càng gần gũi và yêu quí nhà trường.
3. Mỗi thầy cô, mỗi CBNV hãy biết mỉm cười với nhau trong công việc và trong giao tiếp. Hãy biết mỉm cười với sinh viên của mình. Sinh viên dù đã trưởng thành nhưng vẫn còn trong “tuổi ăn, tuổi ngủ”, phần đông sống xa gia đình. Vì thế, tôi cầu mong các thầy cô khi lên lớp giảng cho sinh viên về kiến thức chuyên môn hãy dạy bảo thêm cho các em đạo đức, lối sống làm người. Khi mà mỗi người làm việc tốt hơn một tý, mỗi ngày làm tốt lên một tý thì Đại Học Đại Nam của chúng ta chắc chắn sẽ ngày càng được các thế hệ sinh viên và xã hội yêu quí, tin tưởng. Làm được tốt những việc nêu trên thì việc xây dựng ĐHĐN thành trường đại học thân thiện nhất sẽ sớm thành hiện thực.
V- Nghề làm thầy giáo là một nghề đặc biệt nhất trong xã hội
Tôi đã trả lời những người bạn về các câu hỏi liên quan đến quan niệm sống trong điều kiện xã hội Việt nam hiện tại, xin chia sẻ một chút với các thầy cô cùng tranh luận :
1. Trong các công việc mà tôi đã trải qua, việc gì là khó nhất?
Trả lời: Làm ra tiền (một cách chính đáng) là khó nhất. Tôi ngưỡng mộ những người làm ra nhiều tiền một cách hợp pháp, bất kể đó là nghề gì. Mỗi đồng tiền làm ra thật đáng chân trọng vì thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của họ.
2. Niềm vui lớn nhất trong kinh doanh của ông là gì?
Trả lời: Khi doanh nghiệp của mình tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, CBNV của mình có thu nhập đủ sống là điều tôi thấy hạnh phúc nhất.
3. Làm doanh nhân và làm thầy giáo nghề nào khó hơn?
Trả lời: Để làm được Doanh nhân giỏi, gây dựng được doanh nghiệp tồn tại và phát triển lâu dài, được khách hàng, xã hội tín nhiệm là việc rất khó. Tuy nhiên, để trở thành một thầy giáo giỏi còn khó hơn nhiều. Người thầy giỏi phải có đủ 3 yếu tố:
Một là: giỏi về kiến thức chuyên môn, hiểu biết thực tiễn.
Hai là: giỏi truyền đạt những kiến thức đó cho sinh viên của mình tiếp thu được nhiều nhất.
Ba là: người thầy phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống cho sinh viên. Những người thầy, năm này qua năm khác sẽ đào tạo ra hàng trăm, hàng nghìn sinh viên ưu tú ích nước lợi nhà. Làm được trọn vai người thầy như thế thì tích tụ để lại cho con cháu phúc đức vô biên, đời đời hạnh phúc.
4. Sao ông lại quay về với giáo dục mà không lựa chọn những lĩnh vực kinh doanh đầy lợi nhuận hấp dẫn (như Bất động sản chẳng hạn) mà nhiều đại gia theo đuổi?
Trả lời: Con cái là kết quả cuộc đời, là tài sản vô giá của những người là cha mẹ. Tôi yêu con tôi thế nào, chăm lo cho con cái ra sao thì hàng trăm hàng ngàn phụ huynh của tôi yêu và chăm con như thế. Vậy mà, hàng trăm hàng ngàn gia đình đã gửi con của họ cho trường chúng tôi, cho những người làm thày như chúng tôi dạy dỗ. Tương lai con cái họ và thậm chí cả gia đình họ gửi gắm cả vào sự đào tạo dạy bảo của chúng tôi. Đó, “Tiền có thể mua được rất nhiều thứ, cái gì không mua được bằng tiền thì có thể sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” nhưng chắc chắn rất nhiều tiền cũng không mua được tình cảm trân trọng của hàng trăm nghìn sinh viên Đại Nam, phụ huynh đại học Đại Nam trên khắp mọi miền đất nước. Đó chính là sự đặc biệt nhất của nghề thầy giáo, là lí do tôi quay về làm thầy giáo, làm giáo dục.
Các thầy cô, các anh chị em CBNV Đại Nam kính mến.
Vài suy nghĩ đầu năm học mà tôi muốn trao đổi tới mọi thành viên trong gia đình Đại Nam của chúng ta. Tôi mong muốn rằng, mỗi người hãy “bình tâm lắng nghe, suy ngẫm cho thấu hiểu”, để chúng ta đồng tâm hợp lực xây dựng ĐHĐN của chúng ta phát triển trường tồn.
Gửi đến các thầy giáo, cô giáo thỉnh giảng của Đại Học Đại Nam
Thưa các thầy cô kính mến!
Chúng tôi mời các thầy cô đến giảng dạy cho sinh viên của Đại Học Đại Nam trước hết vì chúng tôi yêu mến và trân trọng thầy cô về chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp. Chúng tôi rất cảm ơn các thầy cô đã thu xếp thời gian để giảng dạy cho sinh viên Đại Nam chúng tôi trong lúc các thầy cô bộn bề công việc. Sự góp sức của các thầy cô bên ngoài đã giúp cho chất lượng giảng dạy cho sinh viên của Đại Nam chúng tôi ngày càng hoàn thiện và phong phú. Là người đứng đầu của ĐHĐN, tôi xin nêu một số khác biệt của sinh viên Đại Nam so với sinh viên các trường công lập để các thầy hiểu sâu hơn về họ. Từ sự hiểu biết ấy, hy vọng sự hợp tác của nhà trường với các thầy ngày càng mật thiết và hiệu quả.
Thứ nhất : Họ là những sinh viên không được hưởng phúc lợi giáo dục như sinh viên trường công. Họ phải tự trả tất cả các khoản qua học phí cho nhà trường để được nhà trường đào tạo mà không có được sự hỗ trợ nào từ nhà nước mà lẽ ra họ phải được hưởng. Mặc dù vậy, họ vẫn khát khao học tập để trở thành nguồn lao động chất lượng cao phục vụ xã hội. Tinh thần và khát khao học đại học đó của các em sinh viên Đại nam rất đáng trân trọng và cần khích lệ.
Thứ hai : Đa phần là những sinh viên có điểm thi đại học ở mức từ điểm sàn đến mức trung bình, số ít đạt điểm cao. Mặc dù vậy, thực tế chứng minh rằng, không phải kì thi đã đánh giá đúng năng lực của họ, sau khi học tập ở các trường NCL, phần đông trong số họ đã thành công trong các lĩnh vực kinh tế - kĩ thuật của đất nước.
Thứ ba: Họ là khách hàng của trường chúng tôi. Chúng tôi có nghĩa vụ và trách nhiệm phục vụ khách hàng của mình chu đáo, hợp lý.
Thứ tư: Họ là những đối tượng rất dễ bị tổn thương vì những thất bại trong quá khứ rất có thể dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực và cũng chính từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập tiếp theo. Với những đặc điểm nêu trên, tôi nghĩ rằng sẽ là bất công khi họ phải nhận từ phía các thầy cô đến thỉnh giảng những lời nói chê bai sinh viên NCL (có ý miệt thị làm họ bị tổn thương). Tất nhiên nhà trường chúng tôi sẽ không chào đón các thầy cô như vậy. Tuy nhiên mong các thày cô, trong quá trình giảng dạy, hãy bao dung và thấu hiểu. Cái gì đi từ trái tim sẽ nhất định đến được với trái tim. Chúng tôi cũng luôn lắng nghe ý kiến của thày cô để nhắc nhở sinh viên của mình nhiều hơn nữa, nâng cao tính tự lập, khắc phục những yếu điểm để tiếp thu những kiến thức của các thày cô một cách tốt nhất.. Chúng tôi mong mỏi rằng, các thầy hãy giành cho sinh viên của chúng tôi những tình cảm thầy trò chuẩn mực và thiết thực nhất. Một khi chúng tôi luôn coi sinh viên Đại Nam là khách hàng để phục vụ họ ngày càng hài lòng hơn thì sự góp sức của các thầy ngoài trường sẽ càng làm chúng tôi tri ân sâu sắc.
Chúc năm học mới của trường ta thành công!
Kính thư! Lê Đắc Sơn Chủ tịch HĐQT Đại Học Đại Nam
Đăng ký tư vấn tuyển sinh 2025
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng

Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
