Tạp chí Thế giới toàn cảnh đăng tải bài viết của PGS. TS Đinh Công Tuấn - Viện trưởng Viện NCQT DNU

Đăng ngày 18/02/2020
9.252 lượt xem
Đăng ngày 18/02/2020
9.252 lượt xem
Chia sẻ: Icon facebook Icon X Icon Pinterest
carpentry-mark
Tạp chí Thế giới toàn cảnh (chuyên đề của Tạp chí Công an Nhân dân) đăng tải bài viết của PGS. TS Đinh Công Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - Trường ĐH Đại Nam.
Tạp chí Thế giới toàn cảnh (chuyên đề của Tạp chí Công an Nhân dân) đăng tải bài viết của PGS. TS Đinh Công Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - Trường ĐH Đại Nam. Chúng tôi xin được trích đăng nguyên văn bài báo.
 
Cánh cửa để ngỏ của tương lai liên minh Châu Âu
 
 
Năm 2019, năm cuối cùng của thập niên thứ 2 thế kỷ XXI đã chứng kiến những bước đi thăng trầm của EU cả về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng …., đồng thời EU cũng đã đưa ra các su hướng phát triển trong 5 năm với những cải cách sâu sắc nhằm lấy lại niềm tin của hơn 500 triệu người dân của EU và tạo dựng vị thế mới của EU trên trường quốc tế.
 
Kinh tế EU năm 2019 – một bức tranh vẫn còn nhiều gam màu tối

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới trong năm 2019 tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, không chỉ từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, mà còn từ việc nước Anh ra khỏi Liên minh Châu Âu, được gọi là Brexit, và những căng thẳng địa chính trị. Thương mại toàn cầu bị đình trệ, kéo theo hoạt động kinh tế tại hầu hết các nền kinh tế lớn đều chậm lại, những bất ổn vẫn đang hiện hữu, đe dọa đến triển vọng năm 2020.

 

PGS.TS Đinh Công Tuấn -  Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế, Trưởng phòng NCKH - Trường Đại học Đại Nam.

Sau 10 năm khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu (2008) và khủng hoảng nợ công châu Âu (2009), nền kinh tế EU đã từng bước được khôi phục, tuy nhiên chưa có dấu hiệu hồi sinh mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP toàn khối EU năm 2017 đạt ở mức 2,5%, năm 2018 đạt 2,0%, dự báo năm 2019 chỉ đạt 1,1%, và đạt mức 1,2% trong năm 2020.

Tại khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức yếu, trong 3 quý năm 2019, chỉ đạt khoảng 0,2%, các số liệu cho thấy kinh tế khu vực này vẫn đứng trước nhiều khó khăn trong quý 4 năm 2019. Vì vậy mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/9/2019 đã phải cắt giảm lãi suất tiền gửi từ -0,4% xuống mức thấp kỷ lục mới -0,5%, đồng thời khởi động lại chương trình mua trái phiếu với quy mô 20 tỷ EURO/tháng, kể từ tháng 11/2019 nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Eurozone và đẩy lạm phát lên.

Mức lạm phát tháng 9/2019 của Eurozone chỉ đạt 0,8% giảm so với mức 1% trong tháng 7, 8 năm 2019. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp tháng 9/2019 đạt mức 50,1 điểm, giảm so với tháng 8/2019 là 51,9 điểm. Chỉ có hai điểm sáng hiếm hoi cho nền kinh tế EU đó là, (1) sản xuất công nghiệp tháng 8/2019 tăng 0,4% so với tháng 7/2019; (2) tỉ lệ thất nghiệp tháng 8/2019 giảm xuống còn 7,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2018.

 

Brexit tiếp tục là vấn đề dở dang của EU trong năm 2019.

Đối với các nền kinh tế các nước thành viên như: nền kinh tế đầu tàu Đức chỉ tăng trưởng 0,4% năm 2019, dự báo đạt 1% trong hai năm 2020, 2021; kinh tế Italia có mức tăng trưởng thấp nhất EU năm 2019 đạt 0,1%. Nền kinh tế phục hồi nhanh nhất trong EU là Tây Ban Nha đạt 1,9%, tuy vậy vẫn thấp hơn nhiều so với mức sự báo đưa ra từ 4 tháng trước là 2,3%.

Tóm tại năm 2019 tăng trưởng GDP toàn khối ở mức thấp; tương lai khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) bấp bênh; mức nợ xấu cao tại một số quốc gia thành viên đặc biệt tại các nước Nam Âu; tăng trưởng kinh tế không đồng đều tại các nước thành viên; mức lạm phát thấp, sức mua kém …. Có thể khái quát nền kinh tế EU bằng cụm từ “4 thấp” như sau: Tăng trưởng thấp; Thương mại – Đầu tư thấp; Lãi suất thấp và Lạm phát thấp. Tuy vậy, EU năm 2019 cũng có một vài điểm sáng như sản xuất công nghiệp có chiều hướng tăng, tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống thấp nhất trong 10 năm qua.

An ninh – chính trị EU năm 2019 – diễn biến phức tạp, hệ lụy khó lường

Có thể khái quát lại vấn đề an ninh – chính trị của EU năm 2019 bằng một số nhận định như sau: khủng hoảng di cư, khủng hoảng Brexit, khủng hoảng của chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan ….đã dẫn đến khủng hoảng mô hình phát triển trong hiện tại và tương lai.

Kể từ năm 2015 đến nay đã có khoảng hơn 20 nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ở Châu Phi – Trung Đông đã tìm mọi cách đi đến miền đất hứa Châu Âu để tìm kiếm công ăn, việc làm. Họ tổ chức các cuộc di cư bất hợp pháp bằng mọi con đường đến EU, đã gây nên những hệ lụy xấu cho EU. Riêng năm 2019, số lượng người di cư qua Địa Trung Hải đến EU khoảng 78.826 người. Những hệ lụy của dòng người di cư đến EU đã gây ra những chia rẽ bất đồng sâu sắc trong cách giải quyết hậu quả cho EU. Các nước thành viên EU đã bất đồng trong việc phân bổ số người di cư đến các nước thành viên, trong việc xây dựng các trại tị nạn trên lãnh thổ của đất nước mình, trong việc đóng góp ngân sách hỗ trợ người tị nan, trong việc sẽ tiếp tục tiếp nhận hoặc đưa số người tị nạn bất hợp pháp này quay trở về quê hương của họ …. Cho đến nay, vấn đề khủng hoảng người di cư đến EU vẫn là những tiền đề nan giải, gây hệ lụy xấu, tạo ra những mâu thuẫn bất ổn trong việc giải quyết ở nội khối EU.

Năm 2019, vấn đề Brexit đã gây nên những khó khăn và trở ngại cho sự hội nhập, phát triển của EU. Sau thất bại của cựu Thủ tướng T. May, tân Thủ tướng B.Jonhson đã thành công cho việc thông qua bản thỏa thuận để nước Anh rời khỏi EU vào ngày 31/01/2020. Nhưng nước Anh rời khỏi EU chỉ là điểm khởi đầu trong cuộc hành trình gian nan và thiếu ổn định sẽ diễn ra trong nhiều năm tới. Trước hết nước Anh cần phải đạt được một thỏa thuận thương mại với EU vào cuối năm 2020. Cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại này có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm, vì nó sẽ động chạm tới lợi ích của cả hai bên, đặc biệt là vấn đề “chốt chặn” Bắc Irland trong giai đoạn quá độ. Khó khăn vẫn đang chờ đợi cả EU và nước Anh trong giai đoạn chuyển tiếp 11 tháng để thảo luận mối quan hệ kinh tế thương mại giữa Anh và EU trong tương lai.

 

Kinh tế EU sẽ đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2020.

Năm 2019, các nước thành viên EU đã tiến hành cuộc bầu cử có ý nghĩa quyết định tương lai của mình, trong bối cảnh nền chính trị khu vực và thế giới đang trải qua những biến động lớn, phức tạp và ẩn chứa nhiều yếu tố khó đoán định. Đó là cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu (EP) và bầu chọn các vị trí chủ chốt như Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tich Hội đồng Châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU,…. Kết quả cuộc bầu cử EP ngày 26/5/2019 đã chứng tỏ có sự phân hóa nội bộ, trong bối cảnh EU đang rất cần sự đoàn kết hơn bao giờ hết. Tuy các đảng ủng hộ EU vẫn giữ được vị thế trong toàn bộ các nước thành viên, nhưng đã mất khá nhiều phiếu, trong khi các đảng theo đường lối cực hữu, dân túy đã dành được những kết quả quan trọng. Chẳng hạn, ở Pháp, đảng cực hữu tập hợp quốc gia (RN) đã dành được 23,4% số phiếu ủng hộ, vượt qua liên minh của đảng cầm quyền “Nền cộng hòa tiến bước” (LREM) chỉ dành được 22,4%. Đây là nỗi thất vọng lớn của đảng LREM và Tổng thống E.Macron. Ở Đức, khối liên minh dân chủ cơ đốc giáo với liên minh xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) đã mất hơn 7% số phiếu. Ở Hy Lạp, đảng Xi-ri-da cầm quyền phải đứng thứ 2, sau đảng Dân chủ mới của phe bảo thủ đối lập. Kết quả này cảnh báo xu hướng cực hữu và dân túy đang nổi lên ở châu Âu. Khối đảng nhân dân châu Âu (EEP) và Liên minh tiến bộ xã hội và dân chủ (SQD) là hai đảng chính trị đại diện cho quyền lực truyền thống từng duy trì trong suốt 40 năm qua ở châu Âu đã không còn giữ được vị thế độc tôn, chỉ dành được 329 ghế, mất đi 75 ghế, trong khi cần phải tập hợp được tối thiểu 376 ghế trong Nghị viện Châu Âu (EP). Như vậy, lần đầu tiên kể từ năm 1979, EEP và SQD không thể hình thành một khối đảng trung tả và trung hữu để dẫn dắt Châu Âu, nên họ buộc phải liên minh với các đảng khác, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm các đảng phái tham gia quá trình hoạch định chính sách trong nhiệm kỳ 2019-2024. Điều đó có nghĩa là, quá trình ra các quyết định lập pháp trong EP sẽ trở nên khó khăn hơn. Đây chính là thách thức từ sự phân hóa nội bộ trong Nghị viên Châu Âu (EP) nhiệm kỳ 2019-2024.
 
Còn tại Nghị viện của các nước EU trong năm 2019, số lượng ghế của các đảng cực hữu ngày càng đông hơn, đã báo hiệu sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cực hữu, chủ nghĩa hoài nghi EU, nó sẽ trở nên gay gắt, đe dọa sự ổn định, đoàn kết của EU.

Dưới tác động của làn sóng biểu tình của phong trào áo vàng và phản đối cải cách chế độ lương hưu ở Pháp, uy tín của Tổng thống E.Macron bị suy giảm mạnh mẽ, nếu như năm 2017 uy tín của Tổng thống đạt mức 48%, năm 2018 hạ xuống 40%, thì năm 2019 chỉ còn 28%. Vì vậy, người dân EU sẽ không còn kỳ vọng Tổng thống Macron sẽ là người kế vị vai trò dẫn dắt EU của Thủ tướng Đức A.Merkel như trước đây. Tại Đức, tính mỏng manh của Liên minh cầm quyền CDU/SPD, cũng như tình hình sức khỏe của Thủ tướng Merkel thể hiện sự bất ổn của chính trường nước Đức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Đức đang gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP năm 2019 chỉ đạt 0,4%. Bên cạnh đó, các đảng phái cực hữu, dân túy, dân tộc cực đoan ở các nước thành viên đang nổi lên, được sự ủng hộ ngày càng cao cao, như đảng EPO cầm quyền của Thủ tướng Áo S.Kurz, phong trào 5 sao của M.Salvini ở Italia, đảng FIDESZ của Thủ tướng V.Orban ở Hungary, đảng PIS ở Ba Lan, đảng AFD ở Đức, Mặt trận dân tộc của Lepen ở Pháp, đảng Brexit cỉa N.Farage ở Anh. Đồng thời, việc chính quyền tự trị Catalonia thuộc Tây Ban Nha đơn phương tổ chức trưng cầu dân ý về việc trở thành một quốc gia độc lập đã dấy lên làn sóng lo ngại về xu hướng ly khai có nguy cơ tiếp tục xảy ra tại các nước EU khác như vùng Flander (Bỉ), Lombardy (Italia), đảo Corse (Pháp), Basque và Galicia (Tây Ban Nha) và Scotland (Anh)…, là “hồi chuông cảnh báo” về xu hướng ly tâm, ly khai luôn luôn hiện hữu trong EU.

An ninh – quốc phòng năm 2019 – tự chủ độc lập hơn

Trong quá trình phát triển, EU đang chuyển dần từ liên minh kinh tế sang liên minh chính trị và liên minh quốc phòng – an ninh. Đặc biệt trước những thách thức an ninh từ các cuộc khủng bố diễn ra ở Châu Âu, khủng hoảng di cư, căng thẳng trong quan hệ với nước Nga từ sau khủng hoảng Ucraina, Liên minh Châu Âu đã chủ trương xây dựng một liên minh an ninh – quốc phòng độc lập. Đặc biệt từ sau khi nước Mỹ thời Tổng thống D.Trump thực hiện chính sách “nước Mỹ trên hết”, yêu cầu EU phải độc lập trong an ninh – quốc phòng, bắt đầu từ việc đóng góp ngân sách lớn hơn cho NATO. EU đã tính tới việc phải độc lập hơn, bớt dựa vào Mỹ trong vấn đề an ninh – quốc phòng. EU đã triển khai chính sách An ninh và Quốc phòng chung của EU (FPA). Hiệp định FPA mà EU vừa ký kết với Việt Nam ngày 17/10/2019 vừa qua là thảo thuận thứ hai được ký với một quốc gia Châu Á, sau thảo thuận với Hàn Quốc. Thỏa thuận tương tự cũng đã ký giữa EU với Australia và Newzealand, đã khẳng định EU là tổ chức khu vực, có vai trong vị trí trên thế giới, từ kinh tế, chính trị đến an ninh – quốc phòng. Lực lượng quân đội EU sẵng sàng tham gia thực thi các nhiệm vụ vì lợi ích của các nước thành viên EU trong khu vực và trên thế giới. Vừa qua, EU, đặc biệt là 3 nước Đức, Pháp, Anh đã ra tuyên bố chung sẵn sàng cử tàu chiến đến Biển Đông, tham gia giữ gìn an ninh, ổn định khu vực, vì mục tiêu baorveej hòa bình ở Biển Đông.

Hướng tới cải cách sâu rộng trong tương lai

Sau khi nước Anh rời khỏi EU, EU sẽ phải tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản mà khối này đang phải đối mặt, từ vấn đề mở rộng kết nạp thành viên, trong mối quan hệ với Nga, mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, và vấn đề các thể chế đa phương … Những thách thức trên, đòi hỏi EU cần phải tập trung trong xây dựng một chiến lược hành động nhất quán, dựa trên sự đoàn kết nhất trí giữa các nước thành viên, trong đó sự đoàn kết giữa hai nước đầu tàu là Đức và Pháp giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Sau Brexit, EU sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đòi hỏi phải có sự cải cách mạnh mẽ, cả đối nội và đối ngoại, nâng cho vai trò vị thế của EU trên trường quốc tế.

Về cải cách mô hình phát triển của EU trong tương lai, nguyên Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Juncker đã kêu gọi hướng tới một châu Âu đa dạng về mức độ hòa nhập, để đối phó với cuộc khủng hoảng Brexit. Ông Juncker đã giới thiệu “sách trắng” với nội dung đề cập đến các thách thức chủ yếu cùng những cơ hội đang chờ đợi châu Âu trong 10 năm tới, khi EU sẽ không còn nước Anh. Năm kịch bản của EU hậu Brexit gồm:
  1. Kịch bản thứ nhất chủ trương kế thừa và nối tiếp. EU 27 sẽ trung thành với việc triển khai chương trình cải tổ tích cực.
  2. Kịch bản thứ hai cho thị trường chung. EU 27 sẽ tái tập trung củng cố thị trường chung khi tính đến việc 27 nước thành viên không có khả năng tìm thấy tiếng nói chung trong rất nhiều lĩnh vực.
  3. Kịch bản thứ ba xây dựng một châu Âu đa dạng về tốc độ hòa nhập. EU 27 tiếp tục theo đuổi mô hình như hiện nay, nhưng cho phéo các nước thành viên mong muốn được hợp tác chung với nhau trong các lĩnh vực đặc thù như quốc phòng, an ninh nội địa, các vấn đề xã hội. Các nước sẽ phát triển kinh tế - xã hội tùy theo trình độ phát triển của nước mình, để đi theo các tốc độ khác nhau.
  4. Kịch bản thứ tư hướng tới hành động ít nhưng hiệu quả hơn. EU 27 tập trung nỗ lực vào các lĩnh vực nhất định để có thể đạt được kết quả nhanh chóng nhất, đồng thời giảm can thiệp vào các lĩnh vực coi là ít trọng mang lại giá trị gia tăng.
  5. Kịch bản thứ năm mong muốn hợp tác nhiều hơn. Các nước thành viên quyết định chia sẻ với nhau nhiều hơn về quyền hạn, tài nguyên và tiến trình ra quyết định trong tất cả các lĩnh vực.
Hiện nay, lãnh đạo các nước châu Âu chủ chốt như Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ, Luxenboung đã khẳng định ủng hộ cải cách châu Âu theo hướng “đa tốc độ” để tăng cường liên kết kinh tế, an ninh, xã hội, thiết lập các cơ chế hợp tác rộng, hình thành các liên minh mềm dẻo giữa các quốc gia với các tốc độ khác nhau. Nhưng một số nước thành viên ở Trung, Đông Âu như Ba Lan, Hungary, Slovania phản đối mạnh mẽ ý tưởng của EU “đa tốc độ” vì e sợ nước họ sẽ bị tụt hậu nhiều hơn. Do đó, cải cách EU ra sao vẫn là bài toán nan giải, đang chờ đợi ở phía trước.

PGS. TS Đinh Công Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học Trường ĐH Đại Nam
 
 
 

Đăng ký tư vấn tuyển sinh 2025

Năm 2025, Trường Đại học Đại Nam tuyển sinh 36 ngành đào tạo thuộc các khối ngành: Sức khoẻ, Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Kinh doanh và Khoa học Xã hội & Nhân văn.
Đăng ký ngay để nhận
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
admissions student background
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
background image
Đăng ký ngay để nhận
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
admissions student background