Sáp nhập các ngân hàng thương mại trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam

Đăng ngày 22/03/2018
6.598 lượt xem
Đăng ngày 22/03/2018
6.598 lượt xem
Chia sẻ: Icon facebook Icon X Icon Pinterest
carpentry-mark
Hiện nay chúng ta đang thực hiện tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam mà trong đó sáp nhập các ngân hàng lại với nhau được cho là một giải pháp hữu hiệu

TS. Vũ Thị Nhài – Giảng viên Khoa TCNH- Đại học Đại Nam

Hiện nay chúng ta đang thực hiện tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam mà trong đó sáp nhập các ngân hàng lại với nhau được cho là một giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, trong thực tế đã có rất nhiều các cuộc sáp nhập, nhưng tính hiệu quả đến đâu là vấn đề mà không chỉ cho các chính khách, giới học thuật, kinh doanh mà cả những người dân - nhà đầu tư đều rất quan tâm. Những vụ sáp nhập có hiệu quả phải là những hoạt động mang lại những giá trị đích thực cho các cổ đông, khách hàng, nhân viên và trên hết là mang lại sự ổn định và phát triển cho nền kinh tế. Thông qua các vụ sáp nhập, nhà đầu tư có thể dễ dàng tham gia vào các ngân hàng và các ngân hàng đó có điều kiện để phát triển lên một tầm cao mới, chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài nước.

1. Những thương vụ sáp nhập

Trong quá trình hình thành và phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam đã có nhiều cuộc sáp nhập, giải thể và mỗi giai đoạn như thế đều phụ thuộc vào định hướng, mục tiêu phát triển ngành do Ngân hàng nhà nước Việt Nam đưa ra.

Giai đoạn 1989-1990 xảy ra khủng hoảng các cơ sở sản xuất kinh doanh như Nước hoa Thanh Hương, Đại Thành,… bị vỡ nợ  đã làm cho hàng trăm các hợp tác xã tín dụng, quỹ tín dụng bị giải thể. Những năm 1992-1993, thực hiện chủ trương của nhà nước, một số hợp tác xã tín dụng đã sáp nhập lại với nhau để hình thành nên những ngân hàng như Ngân hàng Nam Á, Đại Nam, Mê Kông, Nam Đô, Việt Hoa, Quế Đô, Phương Nam, Đệ Nhất, Gia Định, Tân Việt, Sài Gòn thương tín, An Bình,…

Giai đoạn 1997-2004 xuất hiện nhiều vụ sáp nhập của ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn vào ngân hàng thương mại cổ phần đô thị như Ngân hàng Tân Hiệp sáp nhập vào Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Thạnh Thắng sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn thương tín,… Đặc biệt là sự sáp nhập của ba ngân hàng Đồng Tháp, Đại Nam và Cái Sắn vào Ngân hàng Phương Nam. Nguyên nhân những vụ sáp nhập này là do những ngân hàng nhỏ hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, mặt khác những ngân hàng nông thôn này muốn sáp nhập để phát triển thành ngân hàng thương mại đô thị mạnh hơn.

Thực hiện đề án “Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” với mục tiêu là xây dựng một hệ thống tổ chức tín dụng vững mạnh, Ngân hàng nhà nước đưa ra một loạt các yêu cầu bắt buộc đối với các ngân hàng như vốn tối thiểu phải từ 3.000 tỷ đồng, yêu cầu về tính thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu,… Đứng trước những yêu cầu này, một số các ngân hàng thương mại bắt đầu thực hiện các vụ sáp nhập. Mở màn là vụ sáp nhập của ba ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn vào tháng 12/2011 để hình thành nên Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn. Nguyên nhân là do ba ngân hàng này gặp khó khăn về thanh khoản, dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, mặt khác mỗi ngân hàng chỉ có số vốn khoảng 1.000 tỷ đồng. Trước tình hình đó, Ngân hàng nhà nước đã hỗ trợ thanh khoản cho ba ngân hàng và họ đã tự nguyện hợp nhất để phát huy thế mạnh, hỗ trợ cho nhau để xây dựng thành một ngân hàng lớn hơn. Tuy nhiên, về khách quan ta thấy đây chỉ là sự hợp nhất mang tính chất cơ học chứ vụ sáp nhập này chưa mang lại tính hiệu quả về kinh tế cũng như xã hội.

Vụ tiếp theo là ngân hàng thương mại cổ phần phát triển nhà Hà Nội (Habubank) bị sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) vào tháng 8/2012. Ngân hàng Habubank khi đó được cho là ngân hàng có nợ xấu cao 32% do cho khách hàng Vinashin vay khoảng 3.700 tỷ đồng không có khả năng trả nợ. Khi sáp nhập vào SHB, thương hiệu Habubank đã xây dựng từ năm 1989 vĩnh viễn biến mất, giá trị cổ phiếu được đánh giá 1 Habubank = 0,75 SHB, các thành viên trong Hội đồng quản trị của Habubank không có trong SHB mới. Điều mà chúng ta quan tâm là sau khi sáp nhập thành SHB mới thì vốn của SHB mới lại là 8.866 tỷ đồng, trong khi lúc trước đánh giá Habubank chỉ còn 195 tỷ đồng (vốn của SHB cũ là 4.816 tỷ đồng)???

Không giống như những vụ sáp nhập khác được tiến hành bắt buộc phải tái cấu trúc của ngân hàng nhà nước, vào tháng 12/2013 Ngân hàng Đại Á (DaiABank) đã sáp nhập với Ngân hàng phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) trên tinh thần tự nguyện của hai bên nhằm tăng cường năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành. Ngân hàng HDBank sau sáp nhập có vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu của ngân hàng Đại Á sang HD là 1:1. Đây là thương vụ sáp nhập đầu tiên trong lịch sử khi hai bên đều là những ngân hàng tương đối tốt, không có vấn đề gì về năng lực tài chính, tự nguyện sáp nhập để tạo nên một ngân hàng có tiềm lực mạnh, năng lực cạnh tranh lớn hơn trên thương trường.

Vụ chuyển đổi mô hình đầu tiên trong lịch sử từ một ngân hàng thương mại cổ phần thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu là vụ việc của Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam vào tháng 1/2015. Đây là ngân hàng với tôn chỉ hoạt động là ngân hàng thương mại đa năng tập trung ưu tiên phục vụ lĩnh vực xây dựng. Sau một thời gian dài hoạt động không hiệu quả, bị mất vốn do nợ xấu, ngân hàng không thông qua được phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu nên Ngân hàng nhà nước mua lại toàn bộ cổ phần của ngân hàng này với mức giá 0 đồng và giao cho Ngân hàng ngoại thương Việt Nam quản trị, điều hành.

Vào tháng 4/2015, ngân hàng tiếp theo bị định giá 0 đồng và chuyển giao cho Ngân hàng công thương Việt Nam quản lý là Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank) do ngân hàng này bị mất hết vốn và ban lãnh đạo điều hành lâm vào vòng lao lý.

Đứng trước tình hình thực trạng hiện nay còn một số các ngân hàng thương mại cổ phần năng lực yếu kém, Ngân hàng nhà nước đưa ra thông điệp về việc kiên quyết xử lý những ngân hàng này bằng cách sáp nhập vào các ngân hàng thương mại lớn hơn. Theo lộ trình đã được phê duyệt thì đến năm 2017, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ chỉ còn khoảng 20 ngân hàng và hình thành nên một số ngân hàng thương mại có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh mạnh mà nổi trội lên là sự chi phối của các ngân hàng thương mại nhà nước trong hệ thống.

Trong quý II năm 2015, các ngân hàng trong hệ thống đang nỗ lực chuẩn bị cho các cuộc sáp nhập để tái cấu trúc ngân hàng mình. Nổi trội hiện nay là sự chuẩn bị cho sáp nhập của Ngân hàng thương mại Sài Gòn (Saigon Bank) vào Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) vào Ngân hàng đầu tư & phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) và Ngân hàng xăng dầu (PG Bank) vào Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vào Ngân hàng Sài gòn Thương tín (Sacombank); Ngân hàng Mê Kông (MDB) vào Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank),… Những ngân hàng được coi là lớn của Việt Nam hiện nay có vốn điều lệ, tổng tài sản và quy mô vẫn nhỏ hơn rất nhiều những ngân hàng lớn trong khu vực và quốc tế. Do vậy, việc sáp nhập với các ngân hàng khác nữa là giải pháp mà những ngân hàng này phải thực hiện để có thể trở thành những tập đoàn tài chính vững mạnh trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Hoạt động nghiên cứu khoa học, talk show của Khoa TCNH mang lại nhiều kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ ngân hàng cho sinh viên

2. Những thuận lợi khi thực hiện công cuộc sáp nhập ngân hàng

Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, dưới sự quản lý thực hiện triệt để của Ngân hàng nhà nước hy vọng những cuộc sáp nhập tiếp theo của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ có những bước tiến đáng ghi nhận để xây dựng một hệ thống ngân hàng vững mạnh, huyết mạch của nền kinh tế nước ta.

Việc giảm số lượng các ngân hàng thương mại giúp cho Ngân hàng nhà nước dễ dàng hơn trong công tác quản lý, thực thi các quy định và giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng một cách tốt nhất. Những sự việc không hay vừa qua tại một số ngân hàng thương mại là do sự quản lý thiếu chặt chẽ của Ngân hàng nhà nước.

Thông qua sáp nhập các ngân hàng sẽ loại bỏ được những ngân hàng yếu kém, quy mô nhỏ, thiếu vốn. Việc giảm các ngân hàng yếu kém này là tránh những nguy cơ rủi ro cho hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Việc sáp nhập sẽ giúp cho các ngân hàng thương mại lớn mở rộng hơn mạng lưới các chi nhánh của mình, mở rộng thị phần và đặc biệt những ngân hàng này sẽ sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế nhiều hơn.

Tiếp nữa, sau khi sáp nhập thì ngân hàng lớn sẽ xử lý được nợ xấu tốt hơn rất nhiều vì ngân hàng lớn có tiềm lực về tài chính, trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn và đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn vốn.

Sinh viên Khoa TCNH thực tập tại công ty cổ phần thẩm định giá và tư vấn Việt Nam(VNVC)

3. Những khó khăn khi thực hiện

Trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, việc sáp nhập các ngân hàng với nhau để hình thành hệ thống mới vững mạnh sẽ gặp vô vàn khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, có đạt được kết quả như mong muốn hay không lại tùy thuộc vào ý chí quyết tâm của các lãnh đạo ngân hàng. Trong khi thực hiện các thương vụ sáp nhập có một số khó khăn thường gặp như khó khăn trong việc thương lượng giữa các bên: Trong quá trình thương lượng cần dựa vào những thông tin, số liệu xác thực dựa trên giá trị ở sổ sách, giá trị thực và giá thị trường. Do vậy những ngân hàng tham gia vào thương vụ phải công khai rõ ràng về vốn, tài sản, nợ xấu, sở hữu chéo,… và trong thực tế việc này rất phức tạp và khó khăn. Mặt khác, việc sáp nhập các ngân hàng thương mại theo cách làm như hiện nay chỉ là giải pháp để giảm số lượng ngân hàng trong hệ thống, còn để tạo ra những ngân hàng thực sự lớn mạnh thì chưa được như vậy.

Hiện nay một số ngân hàng được coi là lớn mạnh hơn tham gia đóng vai trò chủ đạo vào sáp nhập, tuy nhiên việc xử lý những ngân hàng nhỏ, yếu kém bằng cách sáp nhập vào ngân hàng lớn hơn chút để to lên có phải là một giải pháp hữu hiệu không thì cũng cần phải xem xét kỹ. Liệu  với những ngân hàng có quy mô, thực trạng khác nhau nhưng lại phải mặc cùng một “mẫu thiết kế” liệu có ổn không?

Vấn đề quan trọng là hiệu quả phát huy của ngân hàng sau tái cơ cấu. Có những ngân hàng cần tái cơ cấu theo hướng sáp nhập, có ngân hàng cần phải tìm nơi nương tựa nhưng không nhất thiết phải to lên bằng cách sáp nhập.

Không những thế, câu chuyện nhân sự sau sáp nhập cũng là điều đáng bàn. Với ngân hàng nhận sáp nhập, họ luôn có lợi thế hơn nên được quyết về nhân sự. Câu chuyện của nguyên tổng giám đốc Habubank về làm người thu hồi nợ tại SHB sau khi hợp nhất đã cho thấy phần nào bức tranh đào thải sau sáp nhập, hợp nhất.

Rõ ràng không phải nhân sự nào của ngân hàng bị sáp nhập cũng làm việc không hiệu quả, nhưng thực tiễn diễn ra sau cuộc sáp nhập lại cho thấy sự yếu thế của những người lao động về ngân hàng mới.

Cần nhấn mạnh đích đến của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là hình thành một hệ thống lành mạnh, trong đó, mỗi ngân hàng là một cơ thể khỏe mạnh nhằm tạo lợi ích cho nền kinh tế, xã hội. Nếu chỉ hình thành những ngân hàng lớn bằng cách sáp nhập liệu có giải quyết triệt để được nguyên căn của những yếu kém và ngân hàng sẽ có những cơ thể khỏe mạnh?

4. Giải pháp nâng cao hiệu quả sáp nhập các ngân hàng thương mại trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng

- Mỗi ngân hàng thương mại cần phải quyết liệt tái cấu trúc chính ngân hàng mình trên các lĩnh vực chính như tái cấu trúc nguồn lực tài chính, tái cấu trúc mô hình hoạt động, tái cấu trúc hệ thống quản trị điều hành, tái cấu trúc mạng lưới kênh phân phối, tái cấu trúc hệ thống công nghệ ngân hàng và tái cấu trúc nguồn nhân lực. Cần phải tự thân trong tiến trình tái cấu trúc, không nên quá trông chờ vào những yếu tố bên ngoài hay sự yểm trợ của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

- Sáp nhập ngân hàng thực sự có hiệu quả khi có nguồn vốn mới đổ vào, chỉ có tiền mới thực sự tháo gỡ được khó khăn của các ngân hàng hiện nay. Sẽ chẳng có chút hiệu quả nào nếu như ngân hàng mới sau sáp nhập tuyên bố tăng vốn nhưng không hề có thêm một đồng vốn mới nào ngoài việc gộp cơ học số vốn trên giấy tờ của các ngân hàng. Cần phải khuyến khích các tổ chức tín dụng nước ngoài góp vốn, mua cổ phần các ngân hàng thương mại đang trong tình trạng năng lực yếu kém để nâng vốn thực sự của các ngân hàng này lên.

- Khi tiến hành sáp nhập các ngân hàng thương mại cần phải giải quyết rõ ràng vấn đề giám định giá trị thực của các bên. Việc này sẽ phải do cơ  quan kiểm toán độc lập, được các bên tin cậy rà soát thật kỹ về tổng tài sản, các khoản phải trả cũng như mức độ rủi ro,… Bên cạnh đó cần phải xác định rõ chiến lược kinh doanh của ngân hàng mới sau sáp nhập sẽ có những giá trị cộng hưởng nào và cần phải thiết lập chương trình hành động cụ thể để có thể thụ hưởng được những giá trị này.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Kết quả xử lý nợ xấu đạt được đến nay tiếp tục ghi nhận sự cố gắng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là trong điều kiện không có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước, cơ chế chính sách còn nhiều hạn chế, bất cập và nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Điều này cũng thể hiện các giải pháp xử lý nợ xấu được ngành ngân hàng triển khai quyết liệt và có hiệu quả. Tuy nhiên, những cố gắng của ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu là chưa đủ bởi vì nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế, cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Đặc biệt, hoạt động mua, xử lý nợ xấu của VAMC cần được đẩy mạnh hơn nữa để VAMC thực sự trở thành công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính của các tổ chức tín dụng, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.

- Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng dẫn thủ tục triển khai việc mua bán, sáp nhập các ngân hàng thương mại gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 06/3/2014 của Chính phủ và Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ Tướng Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý tiếp một bước cơ bản tình trạng sở hữu chéo để hình thành một số tổ chức tín dụng có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao theo mục tiêu tại Đề án 254. Một số tổ chức tín dụng yếu kém có thể được Ngân hàng Nhà nước xem xét, áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc thông qua mua cổ phần và tiến hành sáp nhập vào tổ chức tín dụng khác.

Trong điều kiện hiện nay, sáp nhập đang được Ngân hàng nhà nước coi là một giải pháp cấp thiết đối với hệ thống ngân hàng, tuy nhiên giải pháp này chỉ mang tính chất ngắn hạn mà thôi để giải quyết vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo. Sau này, các ngân hàng thương mại của Việt Nam phải tự tái cấu trúc để có thể giữ được vị thế trên thương trường trong nước và quốc tế.

Hà Nội, 5/5/2015

Tài liệu tham khảo:

- Tài liệu hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2015” do Ban kinh tế trung ương và Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 22/1/2015.

- Thông tin trên trang điện tử của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại.

 

 

Đăng ký tư vấn tuyển sinh 2025

Năm 2025, Trường Đại học Đại Nam tuyển sinh 36 ngành đào tạo thuộc các khối ngành: Sức khoẻ, Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Kinh doanh và Khoa học Xã hội & Nhân văn.
Đăng ký ngay để nhận
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
admissions student background
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
background image
Đăng ký ngay để nhận
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
admissions student background