Phỏng vấn xin việc: Làm thế nào để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng?

“Nếu có mười tỷ đồng trong tay, bạn sẽ làm gì?”. Tưởng như đây là một câu hỏi kiểm tra kiến thức đầu tư của con người, nhưng không, đây chính là câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng của một CEO khi gặp mặt ứng viên xin việc vào doanh nghiệp.
Đứng trước những tình huống bất ngờ thì khả năng giải quyết vấn đề và tư duy nhạy bén của ứng viên là yếu tố Nhà tuyển dụng muốn kiểm tra. Đồng thời, sự bình tĩnh, tinh thần và thái độ của bạn khi gặp phải áp lực về mặt tâm lý và thời gian trong những hoàn cảnh “éo le” cũng phần nào đó thể hiện tính cách và khả năng chịu áp lực của bạn.
Vậy làm thế nào để vẫn đủ tự tin suy nghĩ và đưa ra được câu trả lời “khác biệt” nhất, làm thế nào để gây ấn tượng với Nhà tuyển dụng trong lần gặp mặt đầu tiên. Mời các bạn cùng đọc xem nhé…
Sự chuẩn bị chu đáo
Có được sự chuẩn bị tốt, là bạn có đến 50% thành công của buổi phỏng vấn rồi đấy. Không chỉ là chuẩn bị về mặt ngoại hình, còn là sự chuẩn bị về kiến thức, thông tin và các công cụ phục vụ cho quá trình phỏng vấn.
Tùy vào vị trí công việc, vị thế công ty, bạn sẽ phải lựa chọn trang phục cho phù hợp và đảm bảo “chỉn chu, lịch sự, gọn gàng, hợp hoàn cảnh”.
Tìm hiểu thông tin về công ty, ngành nghề kinh doanh, sản phẩm/dịch vụ, vị trí công việc… tất tần tật những gì liên quan, nó thể hiện bạn thực sự quan tâm đến công việc này. Rồi ai là người sẽ phỏng vấn bạn? Ít nhất giúp bạn không bị bối rối khi không biết nên xưng hô thế nào trong buổi phỏng vấn; nhanh chóng nhận diện được tính cách và mong muốn của nhà tuyển dụng, cũng giúp bạn điều chỉnh khả năng giao tiếp của bản thân cho phù hợp.
Hồ sơ, CV xin việc và các giấy tờ cá nhân khác được chuẩn bị gọn gàng trong một chiếc clear bag thể hiện các bạn là người cẩn thận, chỉn chu. Một cái bút và quyển sổ nhỏ để ghi chép lại những đánh giá và nhận xét của nhà tuyển dụng thể hiện các bạn là người cầu tiến và ham học hỏi.
Chính xác về thời gian và địa điểm hẹn
Đúng hẹn là điều vô cùng quan trọng đối với bất cứ nhà tuyển dụng nào. Tốt nhất trước ngày hẹn, bạn nên đến địa điểm phỏng vấn để xem thời gian di chuyển dự kiến, địa điểm mình phải đến. Đừng để cơ hội tuột khỏi tầm tay chỉ vì 5’ chậm trễ do tắc đường, hay 10’ loay hoay trong hầm để xe.
Những ấn tượng ban đầu
Ấn tượng ban đầu bạn để lại trong mắt nhà tuyển dụng sẽ được “ghim” lại, trừ khi sau đó các bạn có thời gian làm việc đủ lâu để xóa đi những ấn tượng đó. Vậy hãy nhớ “Nguyên tắc số 7” sau đây nhé.
Bảy phân từ vai trở lên muốn nói đến sự chuẩn bị về ngoại hình, gương mặt, tóc tai & bạn hoàn toàn có thể trang điểm nhẹ.
Bảy bước chân đầu tiên để lại ấn tượng về sự tự tin, phong thái điềm tĩnh, tác phong và hình ảnh chuyên nghiệp của bạn.
Bảy câu nói đầu tiên thể hiện phần nào đó tính cách, khả năng giao tiếp.
Bạn cũng nên kiểm soát được ngôn ngữ cơ thể. Nó giống như một cái lưỡi thừa, sẽ bộc lộ ra tính cách, tâm lý của bạn một cách chân thực nhất. Vậy nên những hành động như rung đùi, bật bút bi, sử dụng ánh mắt và đôi tay… cần điều chỉnh và sử dụng khéo léo nhé.
Một số câu hỏi phỏng vấn thường gặp
Không có một câu trả lời khuôn mẫu nào cho các buổi phỏng vấn, nhưng nếu gặp phải những câu hỏi phỏng vấn thông thường, ít nhất có sự chuẩn bị trước về những gì mình dự định nói vẫn tốt hơn đúng không?
“Hãy tự giới thiệu về bản thân?” – Đừng liệt kê tất cả, hãy nhấn mạnh và tập trung vào những kinh nghiệm NỔI BẬT và LIÊN QUAN đến công việc mình ứng tuyển.
“Điểm mạnh của bạn?” – Đưa ra những điểm mạnh minh chứng rằng bạn sẽ là người rất ĐƯỢC VIỆC và PHÙ HỢP nhé. Các kỹ năng (giao tiếp, bán hàng, thuyết phục, internet, ngoại ngữ…), những tố chất cá nhân (kiên trì, chủ động, sáng tạo…) cần thiết cho vị trí ứng tuyển. Nên kèm với những ví dụ cụ thể để chứng minh điều đó.
“Điểm yếu của bạn?” – Đừng liệt kê những điểm yếu có thể khiến bạn bị loại ngay lập tức (vô trách nhiệm, quản lý thời gian kém…), liệt kê điểm yếu và phải thể hiện bạn đang cải thiện nó ra sao.
“Vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?” – Hãy khéo léo, cố gắng chuyển câu trả lời sang hướng bạn phù hợp với công việc mới như thế nào, và cho Nhà tuyển dụng thấy công ty cũ không còn đáp ứng được những mục tiêu nghề nghiệp của bạn.
“Bạn có câu hỏi gì không?” – Không hỏi gì hoặc hỏi những câu vô thưởng vô phạt là các bạn đã bỏ phí cơ hội rồi. Hãy thử hỏi những câu thể hiện sự cầu tiến và quan tâm của bạn nhé: Nhân viên kinh doanh tốt nhất và tố chất của họ? Điều gì khiến Anh/Chị yêu thích nhất ở Công ty? Khó khăn của vị trí này? Công việc này thường được đánh giá qua những thước đo và tiêu chí gì?...
Nhìn chung, hãy trả lời những câu hỏi thật ngắn gọn và súc tích, tập trung vào vấn đề và không lan man; không nên “nói dài, nói dai, nói dại” vì nó sẽ bộc lộ những hạn chế của bạn đấy.
Với những câu hỏi tình huống bất ngờ, đòi hỏi tư duy và phản xạ của bạn; cần bình tĩnh, suy nghĩ chắc chắn và “tìm ra được câu trả lời khác biệt nhất” nhé. Đừng để mình bị lẫn với số đông.
Những dấu ấn để lại khi ra về
Cũng như ấn tượng ban đầu, một nụ cười kết thúc buổi phỏng vấn không chỉ thể hiện bạn là người tự tin mà còn luôn tích cực và thân thiện.
Một cái bắt tay chủ động cùng với lời cảm ơn… sẽ tác động rất nhiều đến toàn bộ buổi phỏng vấn và ảnh hưởng đến quyết định của nhà tuyển dụng. Những hành động nhỏ như dọn dẹp chỗ mình ngồi, đóng cửa khi ra về sẽ củng cố lại quyết định của nhà tuyển dụng về bạn. Chúc các bạn may mắn!
Ths. Vũ Ngọc Thắng – Giảng viên khoa Quản trị kinh doanh
Đăng ký tư vấn tuyển sinh 2025
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng

Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
