Mô hình phòng thực hành kế toán ảo tại khoa Kế toán – trường Đại học Đại Nam

Đăng ngày 27/03/2018
5.145 lượt xem
Đăng ngày 27/03/2018
5.145 lượt xem
Chia sẻ: Icon facebook Icon X Icon Pinterest
carpentry-mark
Với phương châm “học đi đôi với hành” Khoa kế toán – Trường Đại học Đại Nam đã triển khai và hoàn thiện mô hình “Phòng thực hành kế toán ảo”.
TS. Lê Thế Anh
Với phương châm “học đi đôi với hành” Khoa kế toán – Trường Đại học Đại Nam đã triển khai và hoàn thiện mô hình Phòng thực hành kế toán ảo. Mô hình này đã giúp sinh viên tiếp cận với công việc thực tế của kế toán một cách chủ động, hiểu sâu sắc hơn về các quy định của pháp luật về tài chính, thuế, phần mềm kế toán và đặc biệt thành thạo Excel. Việc đào tạo gắn liên giữa lý thuyết và thực hành đã góp phần làm tăng chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ giữa giảng viên và sinh viên. Đồng thời việc đổi mới đã giúp các tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tuyển dụng nhân sự kế toán bởi sinh viên kế toán của Đại học Đại Nam được tuyển đều đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng từ lần tuyển dụng đầu tiên.
 
1. MỤC TIÊU
- Đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn lý thuyết với thực hành nghề kế toán;
- Tạo mô hình đào tạo lý thuyết gắn liền với thực tiễn, giúp sinh viên làm quen dần và định hình được công việc kế toán, có thể giúp sinh viên nhận làm thêm kế toán, thuế từ khi còn trên ghế nhà trường;
- Nâng cao chất lượng đào tạo ngành Kế toán – Kiểm toán, khẳng định uy tín của nhà trường và tạo sự khác biệt thực sự với những trường đại học khác;
- Học viên được trang bị đầy đủ kiến thức thực tế để tự tin làm các công việc của kế toán tại các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế ngay sau khi tốt nghiệp.
2. THỰC TRẠNG ĐÀO TẠO KẾ TOÁN - KIỂM TOÁN
Chương trình đạo tạo của các trường từ trung cấp chuyên nghiệp đến đại học của Việt Nam nói chung chủ yếu mới dừng lại ở lý thuyết, phần thực hành thực tập trên thực tế còn nhiều hạn chế như: sinh viên không tìm kiếm được nơi thực tập hay có tìm được nơi thực tập mới chỉ được tiếp cận sơ sơ, xin số liệu không có tính hệ thống về viết báo cáo. Nhiều sinh viên khi đi thực tập chỉ làm chiếu lệ cho qua hay đi “sao chép” lập báo cáo mà không được thực tập đúng nghĩa. Do đó chất lượng của những bản báo cáo thực tập, khóa luận tốt nghiệp thường thấp. Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng cử nhân nhưng sinh viên không tự tin trong quá trình tìm việc, không biết bắt đầu công việc kế toán từ đâu nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Đào tạo về Kế toán - Kiểm toán là một trong những ngành đang được xã hội quan tâm, số lượng các trường đào tạo và sinh viên trong ngành này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu các ngành nghề đào tạo. Nhưng trong thực tế nhân sự trong ngành này lại rất thiếu các kế toán viên, các chuyên viên kế toán có đạo đức nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao. Trong khi đó học sinh, sinh viên tốt nghiệp trong ngành này vẫn thất nghiệp hay phải đi làm trái nghề. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự mâu thuẫn đó?
Qua khảo sát thực tế có rất nhiều doanh nghiệp về danh nghĩa có nhân viên kế toán nhưng thực tế chỉ làm được những công việc sự vụ mang tính chất nội bộ mà không làm được phần kế toán tổng hợp, không lập được hệ thông báo cáo tài chính. Công việc lập báo cáo tài chính phải đi thuê các tổ chức và cá nhân chuyện nghiệp làm. Điều đó càng khẳng định việc đào tạo sinh viên ngành kế toán còn mang nặng tính lý thuyết, thiếu những kỹ năng thực hành nghề nghiệp.
Từ thực trạng trên tôi xin đưa ra và phân tích nguyên nhân chính gây nên những mâu thuẫn trên đó là bắt nguồn từ việc định hướng nghề nghiệp, đào tạo, chất lượng đào tạo, yêu cầu thực tế của doanh nghiệp đối với sinh viên tốt nghiệp như sau:
2.1. Phần đào tạo lý thuyết
Thời lượng đào tạo lý thuyết khá nặng, cọi trọng định khoản Nợ/Có của các bài tập giản đơn mang tính sự vụ của giáo viên đưa ra. Trong quá trình thực hiện các bài tập đó hầu như sinh viên chưa làm rõ được tính pháp lý và quy trình kế toán bởi nó thiếu tính hệ thống và sự kết nối đến sản phẩm cuối cùng là hệ thống báo cáo tài chính.
2.2. Phần thực hành
Trên lớp, giáo viên đã hướng dẫn thực hành thông qua các bài tập nhỏ, bài tập lớn giúp cho học sinh, sinh viên làm quen với công việc của người làm kế toán. Nhưng những bài thực hành đó thường đơn giản, thiếu tính hệ thống và có nhiều bất cập:
- Một là, bài tập thực hành không sát với thực tế của doanh nghiệp;
- Hai là, bộ chứng từ thực hành thường không đầy đủ và tổ chức chưa khoa học;
- Ba là, hệ thống sổ kế toán thực hành không đầy đủ thiếu tính khoa học và khó thực hành;
- Bốn là, hệ thống báo cáo cáo tài chính không được hướng dẫn chi tiết phương pháp lập, đọc báo cáo tài chính;
- Năm là, hệ thống báo cáo thuế GTGT, TNDN và các khoản thuế khác không được hướng dẫn chi tiết cách lập;
- Sáu là, không tiến hành phân tích những điểm quan trọng của báo cáo và các quy định của pháp luật;
Đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy phần thực hành hầu hết đều là giáo viên giảng dạy lý thuyết kiêm nhiệm chưa kinh qua công việc kế toán thực tế tại doanh nghiệp nên không chuẩn bị được tài liệu thực hành phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp do vậy chất lượng của phần thực hành còn nhiều hạn chế. Mặt khác, do quy chế tài chính một giờ thực hành chỉ được tính bằng một nửa tiết lý thuyết không đủ hấp dẫn để giảng viên đầu tư nghiên cứu, khảo sát thực tế.
2.3. Tình hình thực tập thực tế trước tốt nghiệp khi ra trường
Thứ nhất về phía sinh viên: Thực tập và làm việc thực tế tại các doanh nghiệp là một cơ hội rất tốt để học sinh, sinh viên học hỏi và vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế, đồng thời đây là một cơ hội tốt để học sinh, sinh viên tích lũy kinh nghiệm cho nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, thông tin về tình hình tài chính và sổ sách kế toán của doanh nghiệp là rất nhạy cảm, thông tin này thường được doanh nghiệp bảo mật rất cao nên, sinh viên thực tập khó có thể được tiếp xúc với số liệu thực tế của doanh nghiệp. Theo PGS.TS. Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán-Kiểm toán Việt Nam sinh viên thực tập thường không được tiếp cận công việc, mỗi tuần có khi chỉ được đến doanh nghiệp vài lần mà chủ yếu chỉ làm việc vặt như quét phòng, pha trà, rửa chén… Do đó, những sinh viên được vào thực tập cũng không được hướng dẫn chi tiết, số liệu cung cấp quá cũ và không hệ thống hoặc là thông tin không trung thực làm cho kết quả thực tập thực tế tại doanh nghiệp không đạt yêu cầu.
Thứ hai về phía giáo viên: Đội ngũ giáo viên hướng dẫn trình độ không đều. Có thầy, cô trình độ quá cao và chuyên nghiên cứu nên hướng dẫn công việc thực hành, thực tập tốt nghiệp đôi khi chưa sát với thực tế và trình độ của sinh viên. Có giáo viên hướng dẫn thực tập tốt nghiệp nhưng chính bản thân mình cũng chưa một lần thực hành thực tế nên hướng dẫn chỉ dừng lại ở lý thuyết chung chung. Còn lại một số ít giáo viên vừa đi dạy, vừa tham gia làm việc thực tế tại các doanh nghiệp thì yêu cầu sinh viên làm báo cáo thực tế hơn, vượt quá sức của sinh viên nên chỉ thu hút được sinh viên chăm học.
Thứ ba về cách đánh giá chất lượng viết báo cáo và thực tập tốt nghiệp chưa thực sự khách quan còn mang nặng bệnh thành tính và tính cào bằng, động viên không thực tế dẫn đến tình trạng lớp sau nhìn lớp trước, thực tập qua loa thiếu nghiêm túc. Do đó, việc thực tập và viết báo cáo tốt nghiệp dần dần mang tính hình thức cho hoàn thành một học phần trong chương trình đào tạo.
2.4. Việc cập nhật văn bản pháp luật trong ngành tài chính Kế toán – Kiểm toán - Thuế
Chế độ Kế toán - Kiểm toán và các chính sách thuế của chúng ta đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn chỉnh nên thường xuyên có những thay đổi như: việc cập nhật và nâng cấp phần mềm hỗ trợ kê khai thuế, các luật thuế, các chính sách giảm thuế, gia hạn nộp thuế…. Do đó, mỗi sinh viên khi tốt nghiệp muốn thực hiện tốt công việc của mình tại doanh nghiệp ngoài những kiến thức trên, học sinh, sinh viên cần phải biết và thường xuyên cập nhật hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành những công việc mình đang làm được quy định bởi văn bản quy phạm pháp luật nào, tra cứu và tìm kiếm ở đâu. Điều này đã được giáo viên yêu cầu nhưng học sinh, sinh viên hầu như chưa nghiên cứu một cách bài bản và đầy đủ.
Trên cơ sở đánh giá khách quan thực trạng thực tập và làm khóa luận tốt nghiệp trên, Khoa kế toán đã nghiên cứu đổi mới bằng việc xây dựng “Phòng thực hành kế toán ảo”.
3. GIẢI PHÁP EXCEL -  PHÒNG THỰC HÀNH KẾ TOÁN ẢO
3.1. Tổng quan “Excel – Phòng thực hành kế toán”
Excel là một công cụ rất hiệu quả trong công tác Kế toán - Kiểm toán đã và đang được nhiều công ty nước ngoài sử dụng trong khi đó các doanh nghiệp của Việt Nam lại ít qua tâm đến Excel. Đặc biệt đối với các Kiểm toán viên thì việc sử dụng thành thạo Excel trong quá trình kiểm toán là một trong những kỹ năng phải có khi tham gia tuyển dụng. Qua khảo sát và phân tích công việc thực tế tại phòng kế toán của các doanh nghiệp, Excel – Phòng thực hành kế toán được nghiên cứu, thiết kế và triển khai tất cả những phần hành kế toán của doanh nghiệp. Ưu điểm của Excel – Phòng thực hành kế toán so với các phần mềm kế toán là người học có tự mình thiết kế được một phần mềm kế toán bằng Excel. Qua đó, người học có khả năng tự nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Người học có thể hiểu một cách sâu sắc các phần hành kế toán, cách nhập dữ liệu đơn giản, tổng hợp số liệu nhanh và chính xác theo yêu cầu của nhà quản lý.
Một ưu điểm nổi trội của việc ứng dụng phần mềm kế toán Excel vào công tác kế toán đó là người làm có thể tự chỉnh sửa các lỗi thông thường, trong khi đó các phần mềm chuyên dụng cần phải đợi chờ nhà cung cấp xử lý tốn khá nhiều thời gian. Các nhà cung cấp phần mềm chuyên dụng có thể hỗ trợ xử lý sự cố nhanh hơn bằng cách sử dụng mạng Internet, tuy nhiên với cách hỗ trợ này dễ làm thông tin kế toán của doanh nghiệp bị phát tán ra ngoài. Do vậy, ứng dụng phần mềm kế toán bằng Excel phục vụ cho công tác giảng dạy, đào tạo kỹ năng làm việc cho sinh viên ngành Kế toán-Kiểm toán là một giải pháp đáp ứng được yêu cầu cả về lý luận và thực tiễn.
Excel – Phòng thực hành kế toán ảo được chia thành ba phần:
Phần 1 – Những kiến thức về Excel.
Người học sẽ được nghiên cứu những kiến thức Excel cơ bản và Excel nâng cao trên cơ sở đó xây dựng Phần mềm kế toán bằng Excel.
Phần 2: Thực hành kế toán trên Excel.
- Người học được cung cấp một bộ chứng từ đầy đủ theo quy định của chế độ kế toán hiện hành phục vụ cho thực tập;
- Người học thực hành thiết kế bộ sổ sách kế toán (sổ tổng hợp, sổ chi tiết) trên Excel;
- Người học thực hành thiết kế hệ thống Báo cáo tài chính trên Excel;
- Người học được hướng dẫn thực hành lập hệ thống báo cáo tài chính trên phần mềm HTKK Tổng cục thuế.
Phần 3: Bộ sản phẩm làm trên Excel.
- Bộ chứng từ được lập, tổ chức lưu trữ theo đúng quy định của luật kế toán;
- Bộ sổ sách kế toán được thiết kế và thực hành theo hoạt động thực tế của doanh nghiệp và quy định của luật kế toán;
- Bộ báo cáo tài chính được lập theo đề bài và quy định của luật kế toán;
- Bộ báo cáo thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN đã được lập theo đề bài và quy định luật quản lý thuế;
- Dữ liệu trên phần mềm kế toán bằng Excel đã được thiết lập sẽ được sử dụng làm tất cả các phần hành kế toán của doanh nghiệp theo đúng chế độ quy định;
Bộ sản phẩm do các học viên nghiên cứu làm trên Excel và được in ra là cơ sở để đánh kết quả học tập của học viên. Học viên có thể sử dụng kết quả làm trên Excel để bổ sung hồ sơ xin việc làm.
Phần 4: Tham chiếu kết quả với các phần mềm kế toán chuyên dụng.
Trên cơ sở kế quả thực hành trên Excel, sinh viên sử dụng bộ chứng từ đã thiết lập thực hành trên phần mềm kế toán Misa để:
- Tham chiếu kết quả giữa thực hành trên Excel và phần mềm kế toán;
- So sánh và đánh giá tính hữu dụng giữa việc làm kế toán trên Excel và phần mềm kế toán chuyên dụng giúp người học hiểu sâu sắc hơn về bản chất của kế toán.
- Sử dụng kết hợp giữa Excel với phần mềm kế toán chuyên dụng khi triển khai công tác kế toán vào thực tế tại doanh nghiệp.
Phần 5: Game kế toán
Game kế toán là tên gọi của một phần thực hành của sinh viên tại Phòng kế toán ảo. Để triển khai game kế toán, sinh viên được chia thành từng nhóm 4-5 người, mỗi nhóm là phòng kế toán của một doanh nghiệp. Mỗi sinh viên trong nhóm được phân công đảm nhiệm một vị trí công việc cụ thể của phòng phòng kế toán. Sinh viên thực hiện các giao dịch với các doanh nghiệp khác, từ khâu lập chứng từ, thu chi tiền, tính lương, hạch toán nghiệp vụ kế toán, lập các báo cáo thuế và lập hệ thống báo cáo tài chính. Ngoài việc nâng cao kỹ năng nghề cho sinh viên thì phần này giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng giải trình bảo vệ số liệu.
Kết thúc quá trình thực hành tại “Phòng kế toán ảo”, mỗi sinh viên phải thực hiện tổng hợp kiến thức trên “bản đồ tư duy”. Sinh viên trình bày những kiến thức đã lĩnh hội được trước hội đồng đánh giá. Quá trình thực hành tại “Phòng kế toán ảo” đã giúp sinh viên không chỉ hiểu sâu hơn những kiến thức về lý luận, kỹ năng làm việc thực tế tại các tổ chức và doanh nghiệp mà còn rèn luyện tính trung thực và đạo đức của nghề kế toán./.
 
 

Đăng ký tư vấn tuyển sinh 2025

Năm 2025, Trường Đại học Đại Nam tuyển sinh 36 ngành đào tạo thuộc các khối ngành: Sức khoẻ, Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Kinh doanh và Khoa học Xã hội & Nhân văn.
Đăng ký ngay để nhận
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
admissions student background
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
background image
Đăng ký ngay để nhận
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
admissions student background