Khoa Du lịch đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và biên soạn tài liệu phục vụ việc học tập, giảng dạy

Thực hiện 5 giá trị cốt lõi trong mô hình tiên phong về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành du lịch – lữ hành trong nước và quốc tế, gắn đào tạo với chuẩn đầu ra của doanh nghiệp, Khoa Du lịch Trường Đại học Đại Nam đặc biệt chú trọng xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, mô hình đào tạo, thay đổi phương pháp đào tạo, nghiên cứu khoa học, biên soạn tài liệu phục vụ việc học tập và giảng dạy. Bên cạnh các yếu tố đã khẳng định được tính đặc thù như chương trình, mô hình, phương pháp, Khoa Du lịch đã triển khai thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và biên soạn các bộ giáo trình mang tính đặc thù.
Để cụ thể hóa mục tiêu trên, vừa qua, Hội đồng khoa Du lịch do TS. Hoàng Trần Đồng là chủ tịch hội đồng khoa đã tiến hành họp nghiệm thu Tập bài giảng Phong tục tập quán và lễ hội truyền thống Việt Nam do giảng viên Bùi Văn Niên biên soạn.
Hội đồng Khoa họp nghiệm thu tập bài giảng của thầy Bùi Văn Niên.
Tại buổi nghiệm thu, thầy Bùi Văn Niên đã trình bày báo cáo ngắn gọn về sự cần thiết, nội dung, ý nghĩa của cuốn tài liệu học tập. Thầy Niên chia sẻ: “Khoa Du lịch – Đại học Đại Nam xác định mục tiêu đào tạo theo hướng ứng dụng, sinh viên ra trường phải làm được việc, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Thế nên, để phục vụ mục tiêu đó các giảng viên cũng phải giảng dạy, cung cấp cho sinh viên các kiến thức gắn liền với thực tế và các kiến thức liên quan khác để giải quyết các công việc gắn với ngành du lịch sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết các cuốn giáo trình và tài liệu học tập hiện hữu đều đang được biên soạn theo hướng tiếp cận lý thuyết. Điều này khiến cho mục tiêu đào tạo và các bộ tài liệu có “độ vênh” nhất định. Trước thực tế đó, tôi đã biên soạn Tập bài giảng Phong tục tập quán và lễ hội truyền thống Việt Nam nhằm phục vụ cho mục tiêu và chương trình đào tạo đặc thù của khoa Du lịch”.
Thầy Bùi Văn Niên báo cáo trước Hội đồng khoa Du lịch.
Theo báo cáo của thầy Bùi Văn Niên, tập bài giảng Phong tục tập quán và lễ hội truyền thống Việt Nam được xây dựng thành hai phần là lý thuyết hàn lâm và lý thuyết ứng dụng.
Theo đó, ở phần lý thuyết hàn lâm, tác giả đã đưa vào những kiến thức lý luận mang tính nền tảng như khái niệm, phân loại, vai trò của phong tục tập quán… nhằm tạo nền tảng, cơ sở để luận giải và giải quyết các vấn đề, các tình huống trong thực tế. Đồng thời, đó cũng là những hàm lượng kiến thức có tính hệ thống, có thể làm cơ sở phục vụ cho việc nghiên cứu các vấn đề về văn hóa nói chung, về phong tục tập quán và lễ hội truyền thống nói riêng cho những sinh viên có đam mê nghiên cứu chuyên sâu.
Ở phần lý thuyết ứng dụng, tác giả đã tập trung biên soạn và giới thiệu những phong tục tập quán và lễ hội truyền thống Việt Nam theo không gian văn hóa, tuần tự từ Bắc vào Nam gồm: vùng văn hóa Tây Bắc, vùng văn hóa Việt Bắc, vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ, vùng văn hóa Trung Bộ, vùng văn hóa Tây Nguyên, vùng văn hóa Nam Bộ. Lượng kiến thức này được kỳ vọng sẽ cung cấp cho sinh viên ngành du lịch cái nhìn toàn cảnh về phong tục tập quán và lễ hội truyền thống ở Việt Nam để qua đó phục vụ trực tiếp cho ngành nghề sau này.
Sau khi nghe báo cáo của thầy Bùi Văn Niên, các thành viên trong Hội đồng khoa đều đa số bày tỏ quan điểm đồng thuận với mục tiêu, ý tưởng của tác giả. Đồng thời, các thành viên trong Hội đồng khoa cũng đã có những đóng góp thiết thực nhằm giúp tác giả hoàn thiện một cách tốt nhất cuốn tài liệu học tập.
TS Bùi Đại Dũng – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội nhận xét: “Tài liệu có cấu trúc khoa học, chặt chẽ, đã làm rõ được cơ sở lý luận của phong tục tập quán và lễ hội truyền thống. Cùng với đó, tác giả đã đưa ra các vấn đề thực tiễn để giúp sinh viên có dịp “thực hành” luôn những vấn đề lý thuyết đã được học trước đó. Điều này sẽ giúp cho sinh viên tiếp cận kiến thức một cách chủ động và dễ dàng áp dụng kiến thức đó vào thực tiễn, nhất là đối với ngành du lịch”.
Tiến sĩ Bùi Đại Dũng thứ 4 bên trái sang tại buổi nghiệm thu tập bài giảng
Trên cơ sở ý kiến phản biện của các thành Hội đồng, TS. Hoàng Trần Đồng – Chủ tịch Hội đồng Khoa kết luận: “Tập bài giảng thể rõ quan điểm và năng lực nghiên cứu tốt của tác giả. Nội dung tập bài giảng phù hợp với tính chất đặc thù và chương trình đào tạo của khoa Du lịch – Đại học Đại Nam và phù hớp với xu hướng đào tạo ngành du lịch trên thế giới. Với phẩm chất và tư duy như vậy, cùng với sự tạo điều kiện, động viên của lãnh đạo Khoa, chúng ta còn tin tưởng và hi vọng rằng, tập bài giảng này sẽ sớm được biên soạn thành cuốn giáo trình chính thức để phục vụ mục tiêu đào tạo ứng dụng của khoa Du lịch”.
Tiến sĩ Hoàng Trần Đồng chia sẽ với các thầy cô về phương pháp nghiên cứu ở các nước phát triển sau buổi nghiệm thu.
Kết thúc buổi nghiệm thu, các thành viên trong Hội đồng khoa Du lịch đã nhất trí thông qua tập bài giảng Phong tục tập quán và lễ hội truyền thống Việt Nam với tỉ lệ thông qua là 100%. Kết quả này một lần nữa là minh chứng xác đáng cho sự sáng suốt, tiên phong của Lãnh đạo khoa Du lịch trong việc thúc đẩy các hoạt động đào tạo của Khoa nói chung và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, biên soạn tài liệu giảng dạy nói riêng.
Khoa Du lịch – Trường Đại học Đại Nam
Đăng ký tư vấn tuyển sinh 2025
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng

Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
