Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

1. Khái niệm:
Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia là hệ thống liên kết giữa khu vực hàn lâm (chủ thể tạo ra tri thức - knowledge producer mà đại diện là các trường đại học, viện nghiên cứu) với khu vực công nghiệp (industry - Các ngành sản xuất - Hoạt động sản xuất).
Trong đó Nhà nước/Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, kết nối, tạo môi trường chính sách, thể chế thúc đẩy quan hệ tương tác giữa khu vực hàn lâm và công nghiệp để tạo ra, ứng dụng và chuyển hóa tri thức thành các giá trị gia tăng phục vụ người dân và xã hội.
Nền kinh tế đổi mới sáng tạo là nền kinh tế được xây dựng dựa trên giá trị gia tăng cao, tiềm lực R&D mạnh và các ngành công nghiệp công nghệ cao. Để phát triển được nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải đầu tư rất mạnh cho R&D, đổi mới sáng tạo và thương mại hóa các kết quả R&D bởi khu vực công nghiệp, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần thiết lập được mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa các cơ quan nghiên cứu công lập (viện nghiên cứu, trường đại học) với khu vực doanh nghiệp. Các quốc gia đã tạo lập được nền kinh tế dựa trên vai trò dẫn dắt của đổi mới sáng tạo có chung đặc điểm là đều có một hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (NIS) rất mạnh.
2. Các thành phần của NIS
Mặc dù có nhiều thành phần trong NIS, nhưng 4 thành phần sau được coi là quan trọng hàng đầu cốt lõi: Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo (đổi mới sáng tạo sản phẩm, quy trình, công nghệ); Các trường đại học, các viện nghiên cứu và các hoạt động đào tạo có liên quan đến đổi mới sáng tạo; Các cơ quan chính phủ ra chính sách, tài trợ và thực hiện các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Các tổ chức thúc đẩy doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu công nghiệp và các tổ chức trung gian đổi mới sáng tạo.
Về mối quan hệ giữa các thành phần trong NIS, chúng luôn gắn kết, hòa trộn với nhau và cùng có chung một mục tiêu là tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành, quốc gia. Ngoài ra, nó còn thể hiện sự hòa nhập, gắn kết giữa các năng lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo cả trong và ngoài nước. Có thể nói, khi nền kinh tế càng ngày càng dựa trên tri thức, người ta càng khó phân biệt ranh giới đâu là khoa học, đâu là công nghệ, và đâu là các quá trình sản xuất, đâu là tiềm lực khoa học và công nghệ và đâu là tiềm lực sản xuất, tiềm lực kinh tế. Doanh nhân giờ đây phải đồng thời là nhà quản lý am hiểu về công nghệ, cạnh tranh, môi trường kinh doanh và văn hóa.
Trường đại học và các viện nghiên cứu và phát triển chính là nơi sản sinh ra tri thức, làm nền tảng cho quá trình đổi mới sáng tạo; doanh nghiệp chính là nơi diễn ra và thực hiện quá trình thương mại hóa tri thức được sản sinh từ các trường đại học và các viện nghiên cứu và phát triển, đóng vai trò trung tâm của quá trình đổi mới sáng tạo; Nhà nước cùng với hệ thống tài chính đóng vai trò điều phối, hỗ trợ và tạo lập môi trường thuận lợi cho quá trình sản sinh ra tri thức cũng như thương mại hoá tri thức thông qua hệ thống chính sách đổi mới sáng tạo.
Trong quá trình đổi mới sáng tạo công nghệ/sản phẩm, doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các thông tin sáng chế, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để thực thi các ý tưởng sản phẩm và dịch vụ. Đồng thời chính bản thân các trường đại học, viện nghiên cứu cũng thường xuyên hướng vào phục vụ các doanh nghiệp để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, toàn bộ các hoạt động này sẽ được thực hiện trong một môi trường pháp lý hiện hành và sự điều tiết không thể thiếu của Nhà nước.
3. Những hàm ý nghiên cứu và chính sách
Các chủ thể của NIS là chính phủ, các doanh nghiệp, các trường đại học, các tổ chức khoa học và các cộng đồng dân cư liên kết chặt chẽ nhau, phối hợp nhịp nhàng cùng nhằm vào thúc đẩy việc tạo ra các tri thức mới, vận dụng tri thức vào thực tiễn, biến tri thức thành giá trị.
Vì vậy, chính sách của Nhà nước cần tác động toàn diện và đồng bộ tới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, gồm chính sách đối với các viện nghiên cứu, trường đại học thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tạo ra tri thức, công nghệ và chính sách đối với các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động ứng dụng tri thức và công nghệ để tạo ra của cải, vật chất cho xã hội.
Quan trọng hơn là việc thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ và hiệu quả giữa các thành tố này trong hệ thống.
Chính sách tác động toàn diện và đồng bộ có nghĩa là: Bên cạnh các giải pháp trực diện về khoa học và công nghệ, cần các chính sách về thương mại, đầu tư, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, giáo dục và đào tạo, phát triển vùng, mua sắm công, phát triển thị trường nội địa và thị trường quốc tế,…
(Tổng hợp từ tài liệu: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần tăng năng suất lao động, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tạp chí Tia Sáng)
Viện đào tạo Sau đại học
Đăng ký tư vấn tuyển sinh 2025
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng

Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
