Giảng viên khoa Y trường Đại học Đại Nam hướng dẫn cách phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 66.386 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 14 trường hợp tử vong. Với diễn biến số ca mắc, số ở dịch sốt xuất huyết tăng nhanh từ đầu tháng 8 đến nay, cộng thêm yếu tố đã bước vào mùa mưa, nhiều chuyên gia nhận định Hà Nội có thể trở thành điểm nóng về sốt xuất huyết. Làm gì để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ tốt nhất bản thân và gia đình, ThS. Ngô Thị Tâm – giảng viên khoa Y trường Đại học Đại Nam sẽ hướng dẫn các bạn thông qua bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết dengue (dengue hemorrhagic fever, DHF hay Sốt dengue (dengue fever, DF), tại Việt Nam thường được gọi chung là bệnh sốt xuất huyết có nguyên nhân do Dengue virus (chi Flavivirus, họ Flaviviridae).
Virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm mỗi chủng virus sẽ có khả năng tạo miễn dịch suốt đời với chủng virus đó. Chính vì vậy mà những người sống trong vùng lưu hành dịch có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời.
Sốt xuất huyết truyền bệnh do muỗi muỗi vằn đốt. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, hồ, vũng nước; các dụng cụ chứa nước ở trong và xung quanh nhà; hoặc các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20ºC.
Hình ảnh minh họa Muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết (Ảnh: Internet).
Triệu chứng nhận biết sốt xuất huyết
Nhiễm virus dengue gây nên triệu chứng lâm sàng khác nhau tùy từng cá thể. Bệnh có thể chỉ biểu hiện nhẹ hoặc có xuất huyết nghiêm trọng và tử vong. Sốt dengue thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.
Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi).
Các triệu chứng của sốt xuất huyết dengue (Ảnh: Bộ Y tế).
Thông thường bệnh sốt xuất huyết sẽ trải qua 3 giai đoạn với các triệu chứng điển hình sau:
Giai đoạn sốt: Những triệu chứng của giai đoạn này sẽ xuất hiện sau thời gian ủ bệnh và tồn tại khoảng trong 4 – 10 ngày:
+ Sốt cao 39 – 40 độ liên tục 2 – 7 ngày và rất khó hạ sốt.
+ Đau đầu dữ dội ở trán, hai hố mắt nhức.
+ Buồn nôn, chán ăn.
+ Đau khớp, đau cơ.
+ Da xung huyết, có thể nổi mẩn hoặc phát ban.
Giai đoạn nguy hiểm: Đây là giai đoạn ngày thứ 3-7 của bệnh, khi người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, cần được theo dõi đặc biệt bởi có thể xuất hiện dấu hiệu cảnh báo và tiến triển nặng:
+ Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (24-48 giờ) với hiện tượng: bứt rứt, vật vã, lạnh đầu, chi, li bì, mạch nhanh nhỏ, da lạnh ẩm, tụt hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít.
+ Mi mắt nề, gan to hoặc đau.
+ Xuất huyết dưới da dạng rải rác hoặc chấm xuất huyết, chủ yếu ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, đùi, bụng, mạng sườn hoặc xuất hiện các mảng bầm tím.
+ Xuất huyết ở niêm mạc: tiểu ra máu, chảy máu mũi, chảy máu lợi, kinh nguyệt sớm hoặc kéo dài.
+ Xuất huyết nội tạng: nôn ra máu, đi ngoài phân đen.
+ Buồn nôn, đau bụng.
+ Ngứa.
Nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng có thể gây suy tạng với biểu hiện viêm cơ tim, viêm gan, viêm não. Sốt xuất huyết đã chuyển sang giai đoạn nguy hiểm tức là cần hết sức cẩn trọng, phải nhập viện ngay để được điều trị ngăn ngừa biến chứng.
Giai đoạn hồi phục: giai đoạn bắt đầu sau giai đoạn nguy hiểm 24-48 giờ. Thường từ ngày thứ 7 – 10 của bệnh.
+ Cắt sốt, thèm ăn.
+ Tiểu nhiều.
+ Huyết động ổn định.
+ Có thể có nhịp tim chậm, không đều, có thể suy hô hấp do quá tải chuyển dịch.
Làm gì để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết?
Để tích cực, chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, cần:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá… để không cho muỗi đẻ trứng.
Loại bỏ vật chứa nước trong nhà dù là nhỏ nhất để ngăn muỗi sinh sôi (Ảnh: Internet).
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch, các chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường.
- Khi bị sốt thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh, các DNUer nên ghim ngay hướng dẫn phòng, chống bệnh sốt xuất huyết để bảo vệ bản thân, gia đình và những người xung quanh. Khi mắc bệnh hay gặp bất kỳ khó khăn gì, cần liên hệ ngay với Nhà trường và thầy cô để được hỗ trợ.
ThS. Ngô Thị Tâm – giảng viên khoa Y trường Đại học Đại Nam
Đăng ký tư vấn tuyển sinh 2025
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng

Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
