Giảng viên đại học “mách” cách chọn ngành, chọn trường

ThS. Dương Minh Tú – Phó Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Đại Nam
Chọn ngành nghề theo học và chọn trường để học là những quyết định rất quan trọng, đặc biệt là đối với các bạn học sinh đang bước vào ngã rẽ của cuộc đời. Bởi lẽ, những quyết định trên có tác động rất lớn đến tương lai của các em. Câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao để lựa chọn được ngành nghề và trường học phù hợp với bản thân các em. Bài viết này sẽ gợi ý một số công cụ để các em có thêm sự tự tin đưa ra quyết định đúng đắn.
Làm sao để chọn được ngành học phù hợp?
Thực tiễn trong cuộc sống cho thấy rất nhiều em chọn ngành học dựa trên sở thích của bản thân. Bên cạnh đó có em thì theo sự định hướng từ phía gia đình, hay theo sự lôi kéo của bạn bè. Thậm chí có bạn chọn theo cảm tính theo kiểu “thấy ngành học đó lạ lạ, hay hay” lập tức lựa chọn mà không suy xét kỹ. Chính những lối mòn đó dẫn tới phần lớn các em nói trên cảm thấy thất vọng với sự lựa chọn của mình. Vậy, đâu là giải pháp?
Thuyết con nhím (tên tiếng Anh: Hedgehoge Concept) bắt nguồn từ một câu chuyện ngụ ngôn Hy Lạp giữa một con nhím với một con cáo. Con cáo tuy ma mãnh, biết rất nhiều thứ nhưng luôn thất bại trước con nhím tuy có hơi chậm nhưng lại hiểu rất rõ về thế mạnh của nó. Câu chuyện ngụ ngôn trên nhằm thể hiện một thực tế đó là, hãy tập trung vào điểm mạnh nhất của bạn, bởi điều đó sẽ giúp bạn có lợi thế cạnh tranh.
Để vận dụng Thuyết con nhím, các em cần trả lời ba câu hỏi, tương ứng với ba vòng tròn.
Thứ nhất, bạn thực sự thích ngành nghề, lĩnh vực nào?
Với rất nhiều em câu này không khó trả lời. Bởi lên cấp 2 các em đã bắt đầu hình thành những sở thích đối với một số ngành nghề phổ biến trong xã hội như bác sĩ, giáo viên, bộ đội… Nhưng với một số bạn đến lớp 12 vẫn chưa thực sự rõ mình thích ngành nghề, công việc gì. Với những bạn này cần đối thoại với bản thân nhiều hơn và thật sự nghiêm túc để tìm ra công việc mình yêu thích, hay đơn giản là có hứng thú.
Thứ hai, bạn có những thế mạnh gì?
Trước khi trả lời câu hỏi này, bạn nên tìm hiểu ngành nghề mà bạn yêu thích ở trên cần những phẩm chất, năng lực gì. Sau đó, hãy nhận thức về bản thân mình và viết ra những điểm mạnh mà mình có. Lưu ý là điểm mạnh này phải liên quan đến công việc mà bạn yêu thích nhé. Ví dụ, khi học cấp 3 bạn là cán bộ lớp năng động, hoạt bát, tự tin trong giao tiếp thì đó có thể là những điểm cộng khi bạn học ngành quản trị kinh doanh. Hay bạn học giỏi văn, có khả năng viết tốt, khả năng nói lôi cuốn thì đấy là lợi thế nếu bạn chọn ngành quan hệ công chúng, truyền thông…
Thứ ba, xã hội đang có nhu cầu cao về ngành nghề lĩnh vực nào?
Câu hỏi này có lẽ là khó nhất đối với mỗi em học sinh trung học phổ thông. Vì vậy, các em hãy tham khảo thêm thông tin từ bố mẹ, thày cô và các kênh đáng tin cậy để có cái nhìn về xu thế việc làm trong xã hội. Ví dụ, các em để ý trên các phương tiện truyền thông luôn nói tới “Cách mạng công nghiệp 4.0”, điều đó có nghĩa là nhu cầu việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang rất cao. Hay như thông tin mỗi năm Việt Nam chúng ta đón tiếp hàng chục triệu khách du lịch nước ngoài, chưa kể lượng khách du lịch trong nước. Thông tin đó cho chúng ta thấy cơ hội rộng mở đối với các vị trí việc làm trong lĩnh vực du lịch…
Tóm lại, nghề nghiệp phù hợp với bạn chính là giao thoa của ba vòng tròn trên. Đó là các yêu tố: Bạn thích, bạn giỏi và xã hội cần. Nếu bạn chọn được ngành nghề thỏa mãn ba tiêu chí trên, chắc chắn bạn sẽ thành công. Để củng cố cho kết luận này, chúng ta có thể lấy rất nhiều dẫn chứng trong thực tế. Đơn cử như trường hợp của tuyển thủ Nguyễn Quang Hải, ngôi sao sáng giá số 1 của bóng đá Việt Nam hiện nay. Rõ ràng anh ta đã chọn đúng nghề theo 3 tiêu chí: anh ta rất thích bóng đá, kỹ thuật cá nhân rất điêu luyện và đặc biệt nghề cầu thủ rất “hot” do số lượng cầu thủ chuyên nghiệp tính theo tỷ lệ dân số là rất ít và người Việt Nam lại rất ham mê bóng đá.
Lựa chọn trường học phù hợp như thế nào?
Sau khi chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân, bước tiếp theo cũng khá khó khăn đối với các sĩ tử là chọn ngôi trường để theo học. Ngôi trường không chỉ là nơi bạn sẽ gắn bó 3-4 năm thanh xuân của mình mà nó còn tác động rất lớn đến năng lực của bạn trong tương lai. Vậy lựa chọn trường thế nào để giúp bạn đi đúng hướng trên con đường nghề nghiệp đã lựa chọn?
Dù bạn là ai, làm trong ngành nghề gì thì bạn luôn phải đưa ra những quyết định trong cuộc sống và công việc. Mô hình “Ra quyết định hợp lý” thường được các chính khách, nhà quản trị áp dụng để nâng cao chất lượng của quá trình ra quyết định. Tất nhiên, các bạn học sinh sinh viên cũng có thể áp dụng mô hình này để áp dụng vào việc ra quyết định của cá nhân mình. Mô hình gồm 6 bước như sau:
Chúng ta sẽ không đề cập chi tiết về lý thuyết và đi thẳng vào việc vận dụng mô hình này trong việc ra quyết định lựa chọn trường học như thế nào. Các bạn hãy cùng thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Xác định vấn đề
Bước này khá đơn giản, bạn phải xác định rõ hướng đi của bạn. Bạn sẽ chọn trường đại học, trường nghề, du học hay sự lựa chọn khác. Giả sử ở đây, bạn quyết định chọn học đại học trong nước.
Bước 2: Xác định tiêu chí quyết định
Bạn hãy liệt kê các tiêu chí mà một trường đại học phải có để đảm bảo chất lượng đào tạo. Lưu ý các tiêu chí này cần rõ ràng, cụ thể, ví dụ: Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, học phí … (các bạn truy cập vào website của từng trường hoặc liên hệ bộ phận tuyển sinh của các trường để có thông tin chính thức)
Bước 3: Đánh giá các tiêu chí
Bạn cần sắp xếp các tiêu chí ở bước 2 theo thứ tự ưu tiên và có gắn với trọng số theo mức độ quan trọng. Ví dụ: Tiêu chí 1: Đội ngũ giảng viên (0,5); Tiêu chí số 2: Cơ sở vật chất (0,2), Tiêu chí số 3: Chương trình đào tạo (0,2); Tiêu chí số 4: Học phí (0,1).
Bước 4: Đưa ra các phương án giải quyết
Chính là việc bạn liệt kê ra những trường có đào tạo ngành nghề bạn chọn, tất nhiên là trên cơ sở bạn đủ điều kiện để học ở trường đó.
Bước 5: Đánh giá phương án theo từng tiêu chí
Đây chính là bước so sánh, chấm điểm các trường. Ví dụ, bạn chấm điểm trường Đại học A theo 4 tiêu chí ở Bước 3 lần lượt với các điểm là: 8,9,8,6 thì tổng điểm của trường đó sẽ là: 8*0.5 + 9*0.2 + 8*0.2 + 6*0.1 = 8 (điểm). Làm tương tự với các trường khác. Lưu ý, để có thể chấm điểm các tiêu chí thì bạn phải tìm hiểu thật chính xác các thông tin liên quan đến tiêu chí đó.
Bước 6: Tính toán tối ưng và quyết định
Sau khi chấm điểm ở bước thứ 5, bây giờ bạn đã có danh mục các trường và thứ tự xếp hạng theo đánh giá của bạn. Giờ thì bạn có căn cứ quan trọng cho việc ra quyết định.
Trên thực tế, có một số bạn lựa chọn ngành học, trường học theo cảm tính, tức là không dùng công cụ trợ giúp. Tuy nhiên, những quyết định đó thường có chất lượng không cao. Do vậy, mỗi bạn học sinh và các vị phụ huynh cần cân nhắc kỹ lưỡng và sử dụng các công cụ trước khi ra quyết định, đặc biệt là những quyết định hệ trọng.
Trường Đại học Đại Nam là trường đại học cung cấp dịch vụ đào tạo đa ngành nghề với trục đào tạo cốt lõi là bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nhà trường phát triển theo định hướng ứng dụng. Đến năm 2025, Đại học Đại Nam trở thành: - Địa chỉ đào tạo được xã hội tín nhiệm cao về chất lượng đào tạo “học tập gắn liền với thực tiễn cuộc sống”. - Đạt được những thành tựu quan trọng về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tronglĩnh vực khoa học bảo vệ - chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trường Đại học Đại Nam xác định mục tiêu đào tạo định hướng ứng dụng nghề nghiệp ở những lĩnh vực: Kinh tế; Kỹ thuật – Công nghệ; Khoa học Xã hội – Nhân văn, Sức khỏe và Ngoại ngữ. Năm học 2021-2022, Trường ĐH Đại Nam tuyển sinh ở 17 ngành học với 2280 chỉ tiêu theo hai hình thức xét tuyển. Chi tiết xem Tại đây |
Đăng ký tư vấn tuyển sinh 2025
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng

Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
