Đồng tổ chức Hội thảo quốc tế, mục tiêu “kích cầu” cho hoạt động nghiên cứu khoa học của DNU

Xác định rõ mục tiêu và tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học (NCKH) đối với công tác giảng dạy, nghiên cứu của đội ngũ giảng viên; trong nhiều năm qua, trường Đại học Đại Nam luôn nỗ lực phát triển công tác NCKH, tổ chức và tham gia nhiều Hội thảo quy mô cấp trường, cấp quốc gia, cấp quốc tế… Việc đồng tổ chức Hội thảo quốc tế về trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm lần thứ 3 (The 3rd International Conference On Human-Centered Artificial Intelligence – Computing4Human) với Trường Quốc tế - ĐHQGHN mới đây nhằm đẩy mạnh việc quốc tế hóa giáo dục của trường Đại học Đại Nam; nâng cao năng lực NCKH, tạo động lực để giảng viên nâng cao trình độ ngoại ngữ thông qua việc viết bài tham luận. Theo đó, Trường Đại học Đại Nam tham gia 03 chủ đề với tổng số 06 bài tham luận.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 80 đại biểu, dự trực tiếp và trực tuyến, đến từ Hàn Quốc, Australia, Việt Nam.
NCKH, Hội thảo quốc tế - giải pháp quan trọng để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và học giả hàng đầu để cùng thảo luận và chia sẻ kết quả nghiên cứu mới nhất về tất cả các khía cạnh của trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong mọi mặt của đời sống con người. Đây cũng là cơ hội để tăng cường giao lưu khoa học, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, tạo diễn đàn cho các học giả và chuyên gia trình bày các kết quả nghiên cứu và thảo luận thực trạng, thách thức và triển vọng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Tham dự Hội thảo, trường Đại học Đại Nam có: PGS, TS. Phạm Thị Liên – Phó Hiệu trưởng; ThS, NCS. Dương Minh Tú – Trưởng phòng Tổ chức nhân sự; TS. Lê Thị Mỹ Ngọc – Trưởng khoa Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; TS. Nguyễn Quốc Tuấn – Phó Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh; ThS, NCS. Phạm Thị Thu Hiền – Phó Trưởng phòng QLKH và Hợp tác quốc tế; cùng giảng viên các Khoa.
Cán bộ, giảng viên trường Đại học Đại Nam tham dự Hội thảo.
PGS, TS. Phạm Thị Liên chia sẻ: “Việc giảng viên nhà trường tích cực tham gia các hoạt động NCKH, Hội thảo quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng, cần thiết để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng khắt khe của xã hội. Để “kích cầu” cho hoạt động này, Nhà trường luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các giảng viên thực hiện nghiên cứu và báo cáo khoa học tại các hội thảo quy mô lớn, nhỏ…”
PGS, TS. Phạm Thị Liên (thứ hai bên trái) khẳng định NCKH là nhiệm vụ trọng tâm của trường Đại học Đại Nam trong công tác đào tạo, giảng dạy.
06 bài báo cáo đăng trong kỷ yếu của hội thảo, được chỉ mục tại Scopus và Google Scholar
PGS.TS. Phạm Thị Liên cùng các tác giả khác đã có hai bài nghiên cứu về “How patterns of lifestyle via immersive AR-based practices engender buying behavior: the role of attitude to the brand” (Mô hình lối sống thông qua thực hành dựa trên AR nhập vai ảnh hưởng đến hành vi mua hàng: vai trò của thái độ đối với thương hiệu) và “Factors Influencing University Students’ Continuance Intention of Mobile English learning applications” (Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định tiếp tục sử dụng các ứng dụng học tiếng Anh trên điện thoại của sinh viên đại học).
TS. Lê Thị Mỹ Ngọc đã mang đến Hội thảo 02 báo cáo tham luận: “Studying the Impact of last Mile Delivery on E-commerce Customer Satisfaction” (Nghiên cứu tác động của giao hàng chặng cuối với sự hài lòng của khách hàng thương mại điện tử) và “Analyzing the Willingness to Applied Green Logistics in Vietnam Logistics Enterprises” (Phân tích mức độ sẵn sàng ứng dụng Logistics xanh tại các doanh nghiệp logistics Việt Nam).
TS. Lê Thị Mỹ Ngọc trình bày chủ đề “Nghiên cứu tác động của giao hàng chặng cuối với sự hài lòng của khách hàng thương mại điện tử”.
Với phần trình bày của mình, TS. Lê Thị Mỹ Ngọc đã tập trung làm sáng tỏ mối quan hệ giữa các nhân tố trong giao hàng chặng cuối vào sự hài lòng của khách hàng. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ba nhân tố của giao hàng chặng cuối như thời gian giao hàng, thông tin giao hàng và trải nghiệm của khách hàng có tác động trực tiếp và tích cực đến sự hài lòng của khách hàng thương mại điện tử.
Với bài tham luận thứ 2, TS. Lê Thị Mỹ Ngọc đã làm rõ mức độ sẵn sàng của ứng dụng Logistics xanh tại các doanh nghiệp logistics Việt Nam.
ThS, NCS. Dương Minh Tú thực hiện tham luận “Factors Affecting the Organizational Commitment of Generation Y Employees in Hanoi, Vietnam” (Các yếu tố ảnh hưởng tới sự cam kết với tổ chức của nhân viên thế hệ Y địa bàn TP. Hà Nội). Đây là một vấn đề mang tính cấp thiết bởi thế hệ Y là lực lượng lao động chính của xã hội hiện nay.
ThS, NCS. Dương Minh Tú (thứ ba từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà khoa học tham dự Hội thảo.
Dựa vào kết quả phân tích 242 mẫu khảo sát, bài tham luận đo lượng mức độ ảnh hưởng của 06 yếu tố tác động đến sự gắn bó của nhân viên thế hệ Y, gồm: Sự hài lòng trong công việc, điều kiện làm việc, cân bằng công việc và cuộc sống, mối quan hệ giữa cán bộ quản lý và nhân viên, cơ hội phát triển nghề nghiệp, lương thưởng và chế độ đãi ngộ.
Theo đó, sự hài lòng có mức độ tác động lớn nhất; lương, thưởng và chế độ đãi ngộ có mức độ tác động nhỏ nhất. Từ kết quả này, bài tham luận đã đưa ra một số hàm ý nhằm nâng cao sự cam kết gắn bó của nhân viên thế hệ Y trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian tới.
ThS. Đào Minh Hiến – giảng viên khoa Công nghệ Kỹ thuật Ô tô với báo cáo tham luận “Application of Synthetic Data on Object Detection Task” (Ứng dụng dữ liệu tổng hợp vào nhiệm vụ phát hiện đối tượng) mang đến tính mới và khả năng ứng dụng cao, nhận được sự quan tâm sâu sắc của các nhà khoa học tham dự hội thảo.
04 bài báo cáo tại Hội thảo sẽ đăng trong kỷ yếu của hội thảo, trong tuyển tập CEUR Workshop Proceeding được chỉ mục tại Scopus và Google Scholar (cơ sở dữ liệu quan trọng trong việc cung cấp các bài báo khoa học đáng tin cậy nhất).
Hội thảo quốc tế Computing4Human đã mở ra cơ hội trao đổi, giao lưu học thuật bổ ích giữa thầy cô trường Đại học Đại Nam với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, học hỏi và tiếp thu những kiến thức, kỹ năng mới. Từ đó nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng phục vụ công tác; góp phần khẳng định chất lượng chương trình đào tạo nói chung và hoạt động nghiên cứu khoa học nói riêng của trường Đại học Đại Nam đến với cộng đồng, xã hội.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI THẢO:
BTT
Đăng ký tư vấn tuyển sinh 2025
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng

Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
