Đổi mới mô hình tăng trưởng tạo sự bứt phá cho phát triển kinh tế

Dự thảo Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhiền đến năm 2045 (Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII) đã đề ra mục tiêu “Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao”.
Mục tiêu trên thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước để trong vòng hơn một thập kỉ đưa nước ta từ một nước chưa phát triển, GDP bình quân đầu người từ 2750 USD (năm 2020) thành một nước phát triển, có thu nhập cao, khoảng 7 500 USD/người/năm. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam rất cần phải đổi mới mô hình tăng trưởng và có bước đi phù hợp.
Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là việc xác lập khung khổ chung, hay mô thức chung định hướng vận hành nền kinh tế trên cơ sở tối ưu hóa các nguồn lực của quốc gia với một cơ cấu nền kinh tế hợp lý, hiệu quả, hiện đại, nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao theo hướng phát triển bền vững.
Việc hình thành các mô hình tăng trưởng kinh tế tùy theo mức độ đóng góp khác nhau của các nhân tố tác động vào sự tăng trưởng. Mô hình tăng trưởng kinh tế gồm: tăng trưởng theo chiều rộng, theo chiều sâu và kết hợp chiều rộng với chiều sâu.
Ảnh minh họa.
Lý thuyết tăng trưởng Tân cổ điển của Robert Solow năm 1956, 1957 cho rằng, sự thay đổi (phát triển) công nghệ (TFP) là thành phần tăng trưởng ngoài phạm vi tích lũy vốn vật chất. Như vậy, công nghệ được xem xét như những yếu tố bên ngoài (ngoại sinh) không phải bộ phận liên kết của Hàm sản xuất: Q = F(K, L, t). Như vậy, theo lý thuyết tăng trưởng ngoại sinh của Solow thì hàm sản xuất được thể hiện dưới dạng là: Q = A(t) F(K, L). Đây là mô hình tang trưởng dựa chủ yếu vào các nhân tố phát triển theo chiều rộng.
Lý thuyết tăng trưởng mới của R.E. Lucas (1988) ( đạt giải Nobel kinh tế năm 1995) đã nội sinh hóa nhân tố công nghệ. Như vậy, theo lý thuyết tăng trưởng nội sinh của P.M. Romer (1986,1990) thì hàm sản xuất được thể hiện dưới dạng là: Q = F(K, A, L). Mô hình tăng trưởng mới chủ yếu dựa vào các nhân tố phát triển theo chiều sâu, thúc đẩy tăng nhanh năng suất lao động.
Mô hình tăng trưởng của Việt Nam cho thời kỳ tới phải là mô hình dựa trên tri thức là phương sách cơ bản và lâu dài. Chúng ta phải thay đổi căn bản cách thức tăng trưởng kinh tế : từ chỗ lệ thuộc vào các yếu tố tài nguyên, đất đai, sức người, nguồn vốn chuyển sang dựa trên tri thức- những tri thức đã được vật hóa thành các công nghệ mới như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới…. Và những tri thức đã kết tinh thành công nghệ lãnh đạo, quản lý, kinh doanh.
Quan điểm, định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng
- Đổi mới mô hình tăng trưởng là để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện về cả kinh tế, xã hội và môi trường. Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái.
- Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trí sáng tạo của con người Việt Nam và thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước.
- Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn kết chặt chẽ với thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế với trọng tâm ưu tiên là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi cho khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài.
- Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; cơ cấu lại đầu tư công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công; cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công.
- Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Tiến sĩ Vũ Trường Sơn
Phó Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học
Đăng ký tư vấn tuyển sinh 2025
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng

Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
