Bài báo: Quyền tự chủ về nhân sự, tổ chức bộ máy đối với các cơ sở giáo dục đại học dưới góc nhìn pháp luật trong thời kỳ hội nhập quốc tế

Đăng ngày 26/08/2020
27 lượt xem
Đăng ngày 26/08/2020
27 lượt xem
Chia sẻ: Icon facebook Icon X Icon Pinterest
carpentry-mark
Trong xã hội ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế sâu, rộng thì giáo dục đại học đã liên quan và tác động hai chiều trực tiếp đến hoạt động và phát triển ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những xu thế phát triển khách quan này đã và đang đưa đến quá trình “điều chỉnh” và phát triển cơ chế tự chủ đại học theo hướng: Chính điều này đã đặt ra những nhận thức và yêu cầu mới về bản chất và nội dung khách quan của cơ chế tự chủ đại học. Đương nhiên việc áp dụng cụ thể ở mỗi nước sẽ phụ thuộc vào điều kiện, trình độ phát triển và truyền thống của mỗi nước. Bài bài viết phân tích, hệ thống hóa những vấn đề lý luận về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục về nhân sự nhìn từ góc độ pháp luật, ...

Quyền tự chủ về nhân sự, tổ chức bộ máy đối với các cơ sở giáo dục đại học dưới góc nhìn pháp luật trong thời kỳ hội nhập quốc tế

The autonomy in terms of personnel and organizational structure for higher education institutions from the legal perspective in the period of international integration

                    TS. Phạm Ngọc Kỳ

                    TS. Đỗ Thị Minh Thư

                    TS. Nguyễn Thị Hằng Nga

______________________

                    Trường Đại học Đại Nam

 

Bài đăng trên Tạp chí Giáo dục và Xã Hội, Số đặc biệt, tháng 6/2020. Tải nội dung bài báo Tại đây.

 

          Tóm tắt

         Trong xã hội ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế sâu, rộng thì giáo dục đại học đã liên quan và tác động hai chiều trực tiếp đến hoạt động và phát triển ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những xu thế phát triển khách quan này đã và đang đưa đến quá trình “điều chỉnh” và phát triển cơ chế tự chủ đại học theo hướng: Chính điều này đã đặt ra những nhận thức và yêu cầu mới về bản chất và nội dung khách quan của cơ chế tự chủ đại học. Đương nhiên việc áp dụng cụ thể ở mỗi nước sẽ phụ thuộc vào điều kiện, trình độ phát triển và truyền thống của mỗi nước. Bài bài viết phân tích, hệ thống hóa những vấn đề lý luận về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục về nhân sự nhìn từ góc độ pháp luật, ...

      Từ khóa: Tự chủ, quyền tự chủ, quản trị nhân sự.

            Abstract
            In an increasingly developed society, with deep and broad international integration, higher education is related and directly affects the two activities of all aspects of social life. These objective development trends have led to the process of "adjusting" and developing the university autonomy in the direction: It is this that has set new perceptions and requirements on the nature and content. objectivity of the university autonomy mechanism. Of course, the specific application in each country will depend on the conditions, level of development and traditions of each country. The article analyzes, systematizes theoretical issues about autonomy of educational institutions on personnel from a legal perspective, ...

          Keywords: Autonomy, human rights, human resource management.

 

     1. Đặt vấn đề

 Cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) công lập thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự theo quy định của Luật Giáo dục đại học (GDĐH), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và các quy định hiện hành về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; có quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng không được làm tăng số lượng người làm việc hưởng lương, mức lương (bao gồm cả lương và phụ cấp) từ quỹ lương do ngân sách nhà nước cấp [2].

Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục (CSGD) ở nước ta từ hơn 10 năm nay cả trên phương diện pháp lý lẫn tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, dựa trên những tiêu chí đánh giá quốc tế có thể thấy, việc thực hiện tự chủ trong giáo dục nước ta mới ở chặng đường đầu tiên và còn nhiều bất cập. Trong thời gian tới cần hướng tới chất lượng, cùng những việc cần làm để quyền tự chủ của CSGD thực sự là một công cụ quản lý để nâng cao kết quả đầu ra của giáo dục. Trong giai đoạn hiện nay, đổi mới quản trị trong CSGD là xu thế phát triển quan trọng. Đây cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi, nâng cao chất lượng giáo dục. Một trong những bước đổi mới mạnh mẽ, tạo động lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập phát triển là được quyền tự chủ về nhân sự, tổ chức bộ máy.

2. Nội dung nghiên cứu

 2.1. Quyền tự chủ của cơ sở đào tạo đại học

Tự chủ (autonomy) đã có từ thời Aristotle (năm 384-322 trước công nguyên) với quan niệm trường đại học sẽ phát triển tốt hơn nếu các nhà học thuật được tự chủ đầy đủ. Hiểu đơn giản thì tự chủ hàm ý khả năng hành động của một cá nhân (như SV, GV và học giả) hay tổ chức (như trường đại học) mà không phải xin phê chuẩn hay bị kiểm soát từ bên ngoài [4].

Tự chủ đại học theo quan điểm học thuật phương Tây, tự chủ là một khái niệm rất quan trọng và được xem là một giá trị căn bản của một trường đại học như đã được tái khẳng định trong Tuyên bố Magna Charta Universitatum tại Bologna năm 1988. Lịch sử của khái niệm tự chủ xuất hiện từ cách đây 10 thế kỷ, thời kỳ bắt đầu hình thành các trường đại học của phương Tây. Với lịch sử tồn tại hàng ngàn năm như vậy, cho đến nay đã tồn tại rất nhiều định nghĩa và các diễn giải khác nhau liên quan đến vấn đề tự chủ của các trường đại học.

Tại Việt Nam, khái niệm tự chủ cũng đã được các học giả bàn đến, điển hình như: Theo Phan Văn Kha (2007), quyền tự chủ của các CSGDĐH là quyền quản lý của các cơ sở mà có sự hạn chế can thiệp từ bên ngoài. Theo Đào Văn Khanh, tự chủ không có nghĩa là độc lập, tự chủ có nghĩa là tự do trong một khung cảnh, vị trí nhất định nào đó trong khuôn khổ quy định của pháp luật và chịu sự giám sát của xã hội. Tuy nhiên, dù có ít nhiều khác biệt trong cách diễn đạt và sự nhấn mạnh, hầu hết các tác giả đều thống nhất ở một số điểm then chốt, đó là [5]: 1/ Tự chủ là điều kiện tối cần thiết để một trường đại học có thể tồn tại và hoàn thành sứ mạng đã đề ra; 2/ Tự chủ là một khái niệm phức tạp, với nhiều khía cạnh khác nhau. Theo đó, quyền tự chủ của một trường đại học phải bao gồm các khía cạnh sau: tự chủ về quản trị, tự chủ trong hoạt động đào tạo (hay: tự chủ học thuật), và tự chủ về tài chính; 3/ Tự chủ không phải là một tình trạng với hai trạng thái hoặc “có” hoặc “không” mà là một đặc điểm mà mỗi trường có thể đạt được ở nhiều mức độ khác nhau, từ hoàn toàn không tự chủ đến hoàn toàn tự chủ.

Dưới góc nhìn pháp luật, tự chủ là điều kiện cho phép một tổ chức điều hành hoạt động mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Các điều kiện này được xác định bởi mối quan hệ giữa Nhà nước, xã hội và CSGDĐH. Tự chủ của cơ sở đào tạo (CSĐT) là điều kiện để một CSĐT được trao quyền quản lý, quyết định của các CSGD trên phương diện: Tổ chức và quản lý, học thuật, và tài chính.

Mỗi một thực thể xã hội (tổ chức, cá nhân) với tư cách là các pháp nhân (hoặc thể nhân) đều có các quyền và nghĩa vụ được nhà nước và xã hội xác lập, thể hiện thông qua mục tiêu riêng của thực thể đó. Khi nhắc đến quyền của một chủ thể là nói đến khía cạnh pháp lý về quyền chủ thể, một cách tổng quát, quyền chủ thể được hiểu là sự thừa nhận của pháp luật về việc một chủ thể của luật được thụ hưởng một lợi ích nào đó và tất cả người khác phải tôn trọng sự thụ hưởng đó. Đó là khả năng của chủ thể được nhà nước thừa nhận bằng hành vi của mình thực hiện một cách độc lập các quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý.

Trên thế giới có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm quyền tự chủ đại học tùy theo nhận thức về vai trò của nhà nước đối với giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng. Theo Downey (2008), quyền tự chủ của các trường đại học theo nghĩa rộng là khả năng ra quyết định độc lập trong những giới hạn cho phép, cho bởi việc thiết lập một hệ thống giá trị và xác định các hình thức vốn,  quyết định các tiêu chuẩn tiếp cận với các tổ chức, xác định nhiệm vụ chiến lược và thiết lập cơ chế liên kết đến các lĩnh vực khác trong XH và xác định trách nhiệm đối với XH [7].

Theo Luật GDĐH năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2018: Quyền tự chủ là quyền của CSGDĐH được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của CSGDĐH.

Mặc dù đưa ra những quan điểm khác nhau nhưng có thể thấy giữa các quan điểm đều thể hiện: Quyền tự chủ của trường đại học là khả năng của trường đại học được pháp luật ghi nhận để tự do quản lý các công việc của nhà trường theo đúng luật pháp của nhà nước và thông lệ của xã hội, quốc tế.

Như vậy, quyền tự chủ của CSGDĐH là khả năng hành động chủ động mang tính pháp lý của CSGDĐH trong việc xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu, tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về các hoạt động chuyên môn, học thuật, tài chính, tổ chức, quản lý và các hoạt động khác theo luật pháp của nhà nước, thông lệ của xã hội, quốc tế và năng lực của CSGDĐH.

2.2. Các mô hình về cơ chế tự chủ

Những khái niệm - quan niệm trên có thể chứa đựng những nội hàm khác nhau, nhưng đều có chung về hai điểm là mối quan hệ giữa nhà nước với trường đại học và mức độ - điều kiện - khả năng của trường được tự chủ hoạt động để đạt được sứ mạng và mục tiêu đặt ra. Xét theo mối quan hệ pháp lý giữa nhà nước và trường đại học, Ngân hàng thế giới World Bank (năm2008) đã khái quát cơ chế tự chủ của các trường đại học trên thế giới theo bốn mô hình sau: 
1. Mô hình Nhà nước quản lý - kiểm soát hoàn toàn - “state control” (như ở các nước Châu Mỹ Latinh, Malaysia trước đây và một số nước khác). 
2. Mô hình bán tự chủ - “semi-autonomous” (như ở Pháp và New Zealand…). 
3. Mô hình bán độc lập - “semi-independent” (như ở Singapore và một số nước khác). 

4. Mô hình độc lập - “independent” (như ở Mỹ, Anh, Úc…).

Mức độ tự chủ của một trường đại học công tùy thuộc vào địa vị pháp lý mà nó được xác lập. Fielden (2008) chỉ ra một phổ các vị trí sắp xếp theo thứ tự từ sự kiểm soát chặt chẽ các trường của nhà nước cho đến sự tự chủ và độc lập đầy đủ mà các trường có được, đưa ra 4 mô hình có tính đại diện từ kiểm soát đến tự chủ (xem bảng dưới đây). Đồng thời, cũng nhấn mạnh rằng bên trong mô hình kiểm soát nhà nước vẫn có một số sự tự chủ vì một Bộ ở trung ương không thể nào kiểm soát được mọi thứ, còn bên trong mô hình độc lập thì Bộ Giáo dục vẫn được quyền chịu trách nhiệm pháp lý về nhiều mặt [8, tr. 9].

Phương thức quản trị tổ chức

Địa vị của các trường đại học công

Ví dụ

Kiểm soát nhà nước

Có thể là cơ quan của Bộ Giáo dục, hay một tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước

Malaysia

Bán tự chủ

Có thể là cơ quan của Bộ Giáo dục, một tập đoàn sở hữu nhà nước hay một cơ quan do luật định

Tântâylan, Pháp

Bán độc lập

Cơ quan do luật định, một tập đoàn từ thiện hay phi lợi nhuận chịu sự kiểm soát của Bộ Giáo dục

Singapore

 

Độc lập

Cơ quan do luật định, tập đoàn từ thiện hay phi lợi nhuận không có sự tham gia và kiểm soát của nhà nước được kết nối với các chiến lược quốc gia và chỉ có liên quan tới tài trợ công

 

Úc, Anh

Bảng 1: Bốn mô hình từ kiểm soát đến tự chủ

                           Nguồn: Fielden 2008 [8, tr. 81]

  2.3. Nội dung về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học

Theo Anderson và Johnson, khái niệm tự chủ bao gồm 7 thành phần hay lĩnh vực hoạt động sau: Theo Anderson & Johnson (1998) các thành tố trong tự chủ đại học bao gồm: 1/ Cán bộ: tuyển dụng, thăng tiến, tư cách cán bộ giảng dạy và cán bộ hành chính cấp cao; 2/ SV: tuyển sinh, tiến trình học tập, kỷ luật; 3/ Chương trình đào tạo và hoạt động giảng dạy: phương pháp, thi/kiểm tra, nội dung, giáo trình; 4/ Các tiêu chuẩn chuyên môn: tiêu chuẩn bằng cấp, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và kiểm định; 5/ Nghiên cứu và xuất bản: đào tạo, đề tài ưu tiên, tự do xuất bản; 6/ Điều hành: các hội đồng, phòng ban, Hội SV; 7/ Hành chính và tài chính: ngân quỹ, chi phí vận hành, chi phí thiết bị vật tư, công việc thời vụ, nguồn quỹ ngoài ngân sách, các quy định trách nhiệm [1].

Các lĩnh vực quản trị nói trên tạo thành 3 nhóm khác nhau: nhóm 1 (lĩnh vực 1 và 2) liên quan đến việc quản lý GV và SV, hai chủ thể trực tiếp thực hiện đến các hoạt động chính yếu của một CSGDĐH là giảng dạy, học tập và nghiên cứu; nhóm 2 (lĩnh vực 3, 4, 5) liên quan đến việc quản lý các hoạt động của các chủ thể trong nhóm 1; và nhóm 3 (lĩnh vực 6, 7) chủ yếu liên quan đến những hoạt động của bộ phận quản lý, điều hành và phục vụ.

Khi so sánh trong phạm vi của một quốc gia có thể thấy, mức độ tự chủ đối với các lĩnh vực này thường không giống nhau. Ở các nước có độ tự chủ cao, sự kiểm soát của chính phủ chỉ tồn tại ở các lĩnh vực 4 (các tiêu chuẩn chuyên môn) và 7 (hành chính và tài chính). Tại các nước có độ tự chủ trung bình, sự kiểm soát của chính phủ có thể tăng thêm ở các lĩnh vực 3 (chương trình đào tạo và hoạt động giảng dạy) và 6 (điều hành). Trong khi đó, ở các nước có độ tự chủ thấp, chính phủ có quyền can thiệp vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của trường CSĐTSGD. Từ những phân tích trên có thể tóm tắt thành tố của tự chủ đại học bao gồm:

Tự chủ về tổ chức và quản lý: Là sự tự do của CSGDĐH trong việc sắp xếp và tổ chức các nguồn lực bên trong của nhà trường với mục đích phát triển. Tự chủ về tổ chức và quản lý được coi là sự chủ động về cách thức quản lý các nguồn lực khác nhau, các trường đại học được tự quyết định và chủ động trong xây dựng cơ cấu tổ chức; tiến hành thành lập, cơ cấu tổ chức lại hay giải thể các đơn vị trực thuộc; thực hiện công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ, đồng thời xây dựng chiến lược phát triển trường theo tầm nhìn và định hướng riêng.

Tự chủ trong đào tạo: Là sự chủ động của CSĐTSGD trong mảng công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Theo đó các CSĐT được tự quyết định các nội dung liên quan như: công tác tuyển sinh; ngành và chuyên ngành đào tạo; chương trình đào tạo giáo trình và học liệu; phương pháp giảng dạy; các công cụ và phương tiện phục vụ; tiêu chuẩn học thuật và đảm bảo chất lượng; các hình thức thực hiện cũng như phương thức liên kết trong việc thực hiện mục tiêu khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế.

Tự chủ về tài chính: Tức là độc lập điều hành và phân bổ ngân quỹ của mình, cụ thể là quyết định: Thời hạn của một vòng tài trợ công; loại tài trợ công; Việc vay vốn và duy trì thặng dư; Việc điều hành cơ sở vật chất; Học phí của SV, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài.

3. Quyền tự chủ về nhân sự và tổ chức bộ máy của cơ sở giáo dục đại học dưới góc nhìn pháp luật

3.1. Tự chủ về tổ chức và quản lý

Tự chủ về tổ chức và quản lý là sự tự do của CSGD trong việc thiết lập cơ cấu, bộ máy, sắp xếp và tổ chức các nguồn lực bên trong của nhà trường nhằm mục đích phát triển. Đó là sự chủ động về các cách thức quản lý nguồn lực bên trong của nhà trường để đạt tới mục tiêu phát triển.

Các CSGD cần được tự quyết định và chủ động trong việc xây dựng cơ cấu tổ chức, phân tách, thành lập các đơn vị trực thuộc, tuyển dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ nhân tài, đồng thời xây dựng một chiến lược phát triển có tầm nhìn và định hướng rõ ràng. Tiêu chí đánh giá mức độ tự chủ trong tổ chức và quản lý có thể kể đến như: - Mô hình tổ chức và năng lực của hệ thống quản lý; - Hệ thống quản lý và phát triển nguồn nhân lực.

Tự chủ về tổ chức và quản lý được coi là sự chủ động về cách thức quản lý các nguồn lực khác nhau, các CSGD được tự quyết định và chủ động trong việc xây dựng cơ cấu tổ chức; tiến hành thành lập, cơ cấu tổ chức lại hay giải thể các đơn vị trực thuộc; thực hiện công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ, đồng thời xây dựng chiến lược phát triển trường theo tầm nhìn và định hướng riêng,...

- Trong đó, quyền tự chủ về nhân sự thể hiện: + CSGD được quyền quyết định Đề án vị xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức; + CSGD được quyền quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý viên chức, người lao động; thuê hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ; quyết định số lượng người làm việc...

3.2. Tự chủ về nhân sự và tổ chức bộ máy nhìn từ góc độ pháp luật

Vấn đề tự chủ của các cơ sở giáo dục, đào tạo nói chung, nhất là của các CSGDĐH đã được đề cập trong các văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước hơn 10 năm như trong NQ-14/2005 của Chính phủ năm 2005 về Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH Việt Nam đã nêu rõ: “Trên cơ sở đổi mới tư duy và cơ chế quản lý GDĐH, kết hợp hợp lý và hiệu quả giữa việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước và việc đảm bảo quyền tự chủ, tăng cường trách nhiệm xã hội, tính minh bạch của các CSGDĐH. Phát huy tính tích cực và chủ động của các CSGDĐH trong công cuộc đổi mới mà nòng cốt là đội ngũ GV, cán bộ quản lý và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn xã hội”; “Chuyển các CSGDĐH công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có pháp nhân đầy đủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính”; “Hoàn thiện chính sách phát triển GDĐH theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của CSGDĐH, sự quản lý của Nhà nước và vai trò giám sát, đánh giá của xã hội đối với GDĐH”. Trong những năm gần đây, trong văn kiện Đại hội XI, Đại hội XII, Luật GDĐH (2013, 2018) và một số văn bản dưới luật của Chính phủ đã nhấn mạnh và quy định rõ hơn những nội dung liên quan đến vấn đề cơ chế tự chủ của các trường đại học. 

Theo quy định của Luật GDĐH năm 2018 đã tập trung ở nội dung sửa đổi quy định về Hội đồng trường để có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn GV theo quy định của pháp luật. Hiệu trưởng trường đại học công lập do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận trên cơ sở đề xuất của Hội đồng trường; Hiệu trưởng trường đại học tư thục do Hội đồng quản trị quyết định.

 Theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) lập thì ĐVSNCL được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị không thuộc cơ cấu tổ chức các đơn vị cấu thành theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, khi đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án sắp xếp lại các đơn vị cấu thành trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Riêng ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và ĐVSNCL do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của đơn vị trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Còn đối với tự chủ về nhân sự, đơn vị sự nghiệp công xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và quản lý viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật; thuê hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ. ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên quyết định số lượng người làm việc; ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên đề xuất số lượng người làm việc của đơn vị trình cơ quan có thẩm quyền quyết định; ĐVSNCL do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên đề xuất số lượng người làm việc trên cơ sở định biên bình quân 5 năm trước và không cao hơn số định biên hiện có của đơn vị, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định (đối với các ĐVSNCL mới thành lập, thời gian hoạt động chưa đủ 5 năm thì tính bình quân cả quá trình hoạt động). Trường hợp ĐVSNCL chưa xây dựng được vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, số lượng người làm việc được xác định trên cơ sở định biên bình quân các năm trước theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Nghị định số 16/2015/NĐ-CP được cho là có nhiều điểm mới và tích cực hơn so với nghị định số 43/2006/NĐ-CP, tuy nhiên các CSGDĐH vẫn chưa có nhiều quyền tự chủ do vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào các quyết định hành chính của cơ quan chủ quản chi phối. Để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên thì Nghị quyết 77/2014/NQ-CP đã có nhiều điểm mới tạo cơ chế thuận lợi cho các CSGDĐH công lập thực hiện tốt nhất quyền tự chủ trong lĩnh vực tổ chức nhân sự. Theo nghị quyết 77/NQ-CP thì các CSGDĐH công lập được tự thành lập, tổ chức lại, quy định chức năng nhiệm vụ các bộ phận trực thuộc, được ký hợp đồng với các nhân sự kể cả người nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ quản lý và giảng dạy.

- Quyền tự chủ về nhân sự và tổ chức bộ máy được vận hành tại các CSGD hiện nay

Theo quy định pháp luật hiện hành bao gồm ban hành và tổ chức thực hiện quy định nội bộ về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, danh mục, tiêu chuẩn, chế độ của từng vị trí việc làm; tuyển dụng, sử dụng và cho thôi việc đối với GV, viên chức và người lao động khác, quyết định nhân sự quản trị, quản lý trong CSGDĐH phù hợp với quy định của pháp luật. Như vậy, các CSĐTĐH được quyền: + Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của CSGDĐH phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức đã được quy định; + Quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị thuộc, trực thuộc CSGDĐH; + Quyết định và tổ chứcthực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ GV, cán bộ quản lý; xây dựng, phê duyệt đề án vị trí việc làm, số lượng người làm việc, cơ cấu lao động theo chức danh nghề nghiệp và quyết định số lượng người làm việc theo quy định chi tiết của CSGDĐH; + Quyết định tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động, sử dụng và quản lý, bổ nhiệm, miễn nhiệm, nâng bậc lương, khen thưởng, kỷ luật người lao động theo quy định của pháp luật; + Quyết định chế độ và chính sách thu hút, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đối với GV, nhà khoa học, nhà quản lý, người lao động có trình độ cao; quy định mức thu nhập của người lao động theo chất lượng và hiệu quả sản phẩm công việc; + Quyết định cử GV, nhà khoa học và người lao động đi tham dự các cuộc hội thảo, hội nghị, nghiên cứu khảo sát và học tập kinh nghiệm ở nước ngoài theo phân cấp; quyết định mời các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia có uy tín ở trong và ngoài nước đến giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý chuyên môn, quản lý các đề án, dự án, chương trình đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ.

Như vậy, Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định tất cả các ĐVSNCL đều phải xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, do đó, Nghị định 141/2016/NĐ-CP đã đưa ra những cơ chế cụ thể đối với nội dung tự chủ về nhân sự.

Theo đó, vấn đề định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức như sau: Đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên được quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác do ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm chi thường xuyên xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên quyết định số lượng người làm việc; Tự bảo đảm một phần chi thường xuyên đề xuất số lượng người làm việc của đơn vị trình cơ quan có thẩm quyền quyết định; Đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác do NSNN bảo đảm chi thường xuyên đề xuất số lượng người làm việc trên cơ sở định biên bình quân 5 năm trước và không cao hơn số định biên hiện có của đơn vị, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Bên cạnh đó, đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị không thuộc cơ cấu tổ chức các đơn vị cấu thành theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án sắp xếp lại các đơn vị cấu thành trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của đơn vị trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Hàng năm, đơn vị xây dựng kế hoạch hoạt động cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, khả năng của đơn vị theo quy định của pháp luật. Đơn vị quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch của đơn vị, kế hoạch của cơ quan cấp trên giao, đảm bảo chất lượng, tiến độ; tham dự đấu thầu cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị được cấp có thẩm quyền giao; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội theo quy định của pháp luật.

4. Kết luận

Để thực hiện nhiệm vụ nặng nề của giáo dục đại học trước yêu cầu của đất nước, trước hội nhập và bối cảnh toàn cầu hóa, tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở đào tạo trong giáo dục là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ Việt Nam. Trên thế giới, tự chủ đại học là yếu tố cơ bản trong quản trị đại học. Đổi mới cơ chế quản lý theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị giáo dục đại học công lập là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với chủ trương, đường lối mở cửa hội nhập của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt, đổi mới quản trị trong cơ sở giáo dục là xu thế phát triển quan trọng và làm thay đổi và nâng cao chất lượng giáo dục. Tự chủ là một hệ thống giải pháp có cấu trúc chặt chẽ hướng đến việc cải thiện môi trường giáo dục để nâng cao chất lượng dạy - học. Người ta mong đợi là sự tự chủ sẽ cho phép tạo ra nền tảng để phát triển những yếu tố này hơn là một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau với tất cả những điều kiện mâu thuẫn làm kéo giảm chất lượng GDĐH. Vì vậy, thể chế tự chủ cao hơn là yếu tố then chốt tạo nên sự thành công của các cuộc cải cách GDĐH và sau đại học, đặc biệt là những cuộc cải cách nhằm đa dạng hóa và sử dụng các nguồn lực một cách có hiệu quả.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 77/2014/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới

2. Chính phủ, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 3012/2019 về “Qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học”, Hà Nội, 2019.

 3. Phạm Phụ (2006), Quyền tự chủ đại học và trách nhiệm xã hội, Tạp chí Tia sáng, tháng 7 năm 2006.

4. Phan Huy Hùng (2009), Quản lý nhà nước theo hướng đảm bảo sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ.

5. Vũ Thị Cẩm Tú, Một vài ý kiến về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường cao đẳng, đại học ở Việt Nam, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 9/2011, tr. 43-44.

6. Berdahl, R. Public Universities and State Government: Is the Tension Benign? In European Centre for Higher Education (Ed.), Academic Freedom and University Autonomy. Bucharest: UNESCO, 1993.

7. Downey, “Accountability versus Autonomy”, Hội thảo Hội đồng Hệ thống Chất lượng Trường đại học, Canada, ngày 13/12/2008.

8. Fielden J., Global trends in university governance, WB, Washington D.C, 2008.

           

 

Đăng ký tư vấn tuyển sinh 2025

Năm 2025, Trường Đại học Đại Nam tuyển sinh 36 ngành đào tạo thuộc các khối ngành: Sức khoẻ, Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Kinh doanh và Khoa học Xã hội & Nhân văn.
Đăng ký ngay để nhận
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
admissions student background
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
background image
Đăng ký ngay để nhận
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
admissions student background